Tài sản vô giá là thời gian
Năm tháng vồn vã qua đi, mình từ một người hay nói, hay cười trở nên trầm lắng hơn một chút. Không phải là cuộc sống đã làm mình thay đổi theo nghĩa tiêu cực nào đó, mà sự hồn nhiên, vui tươi, trước sự thúc ép không ngừng của thời gian đã dần phai nhạt đi đôi chút.
Mình cảm thấy, sự hồn nhiên, theo nghĩa nguyên bản nhất của nó, giống như một loại tài sản được cấp một lần vậy. Từ lúc ra đời, ta được cấp, hoặc thừa kế từ Thiên chúa, Alah nào đó, một khối tài sản hồn nhiên kếch xù. Nhưng bởi nó là tài sản cấp một lần thôi, và ta thì không thể nào kiếm lại nó được, hay gửi đầu tư sinh lời vào ngân hàng, thị trường cổ phiếu được, nên ta tiêu xài mãi, xài mãi rồi cũng hết.
Thuở thiếu thời, ta mạnh tay, ta chi tối đa mọi sự hồn nhiên trên đồng lúa, trong trường học, vào những trò chơi điện tử hấp dẫn, hay vào những thú vui mà tới giờ, ta không còn hiểu nổi sao hồi trước ta có thể say mê tới vậy.
Lớn lên một chút, ta bớt chi hơn. Không phải vì ta có khả năng quản lý mớ tài sản đó, mà bởi ta có ít cơ hội để tiêu xài nó rồi. Cha mẹ bảo ta rằng, ta phải học, học thật nhiều. Bỗng nhiên, vài ngàn năm tri thức của nhân loại, thu vào trong cái đầu nhỏ bé của ta, ta chỉ có vỏn vẹn chục năm. Cũng có người, vì những bộn bề của thế hệ trước, theo gót cha anh, bố mẹ hòa vào xã hội. Nhưng, bớt chi hơn, không có nghĩa là ta không chi. Ta chi bất cứ lúc nào ta rảnh, thậm chí ta trốn học để chi ra nó nữa. Nhìn chung, bởi vì sự thôi thúc, ta tìm mọi cách vượt rào, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, để đến với thị trường tuổi thơ, chi mạnh tay như những anh chàng, cô nàng con nhà giàu mỗi lần ra hàng quán, chi nhiều nhất có thể.
Nhưng hỡi ơi, miệng ăn núi lở. Cha anh ta đã nói như vậy rồi. Và dẫu cho thu nạp cả ngàn năm kiến thức của nhân loại, ta vẫn không nhớ lời dặn đó. Sự hồn nhiên trong ta, cứ thế ít dần đi qua từng ngày. Tới khi ta ý thức được rằng tài sản của ta có hạn, thì nó chỉ còn mấy đồng lẻ. Ta dè sẻn sử dụng nó, mong nó cứ vậy mãi không hết. Thời gian sử dụng giãn ra, thời lượng sử dụng ít lại. Thi thoảng, ta tìm về những ký ức cũ, như cô cậu ấm con nhà giàu lúc sa cơ, nhìn về thời oanh liệt, tìm kiếm cảm giác hạnh phúc thuở trước.
Nhưng như sự nghèo đói về tiền bạc, bằng cách nào đó, ta không phải là người có ít tài sản nhất. Mỗi khi nhìn ai đó, ta hoặc ghen tỵ, ngưỡng mộ số tài sản của họ, nhưng đồng thời ta cũng tự mãn thấy rằng, dù ít nhưng ta vẫn còn nhiều hơn họ. Khéo co thì ấm, ta không khỏi khấp khởi dù ta vẫn nghèo mạt, nhưng giàu hơn kẻ trắng tay. Đây phải chăng là sự hồn nhiên, thơ ngây duy nhất mà ta có thể kiếm được?
Mặt khác, kẻ giàu có, không phải đều có thể sử dụng tài sản của họ. Đời người vô thường, họ đoản thọ. Họ đi để lại tài sản lớn, lớn lắm. Nghĩ về họ, ta chỉ bùi ngùi mà thôi. Ta tiếc thương cho họ, tiếc món tài sản khổng lồ trở về với cát bụi. Dẫu cho ta là cha, anh, cô dì, chú bác đi chăng nữa, không thể thừa kế nó theo luật được. Ta đành dùng một ít tài sản của mình, để gọi là, thay họ chi tiêu vậy. Như chén rượu đổ ra trong phim cổ trang, ta xem như họ đã uống rồi. Ta vẫn sống và mong sự hồn nhiên của ta còn mãi, như họ còn mãi trong ta, dù chỉ là vài mẫu ký ức vụn vặt.