Skip to content

Vignette

Tại sao tôi làm podcast?

Tôi làm podcast cho chính tôi nghe. Đó là lý do khiến tôi bắt tay vào việc thu âm và tải nó lên mạng.

Ý tưởng gì khiến tôi bắt đầu nói chuyện một mình và tải lên mạng?

Tôi là một người ham chạy bộ, cũng không hẳn là nhiều nhưng tôi vẫn muốn chạy vào những lúc không lười. Chạy bộ là môn thể thao không tốn quá nhiều chi phí nếu không tham gia các giải, có thể thực hiện một mình, nghĩa là tôi có thể chủ động hoàn toàn những lúc tôi muốn, hay không muốn ra đường. Giày, đồng hồ, hay ti tỉ thứ khác có thì rất tốt, nhưng tôi nghĩ nếu không có thì chỉ khó hơn một chút. Nếu không mua, quả thực tôi có ít động lực hơn để chạy, nhưng nó cũng không phải là rào cản mà tôi có thể đổ vấy lên mà lười vận động. Có chăng chỉ là nơi chạy. Chạy ở công viên, đường vắng, đẹp và mát rõ ràng an toàn và tốt hơn chạy ngoài phố đầy xe.

Ai đã từng chạy bộ, hẳn đều muốn nghe nhạc trong lúc chạy. Tôi cũng vậy. Lâu lâu, thay vì nghe nhạc thì tôi nghe podcast này nọ, của chị Chi Nguyễn hay của bất kỳ ai nói về chủ đề tôi thích. Nhưng những người làm podcast chất lượng tôi tìm thấy thì hơi ít (hoặc tôi không tìm kiếm thấy, hoặc có những phương pháp trả phí mà tôi không biết), dần dà những nội dung tôi đã nghe hết.

Tôi nghe nhạc và podcast trên Spotify, chủ yếu bởi vì nó đồng bộ tốt giữa ứng dụng trên điện thoại và đồng hồ. Tôi sử dụng một dạng đồng hồ hơi đa dụng, vừa có thể đo các chỉ số vận động, vừa có thể kết nối tai nghe để nghe nhạc mà không cần mang theo điện thoại bên người. Vì vậy, tôi rất cần những nội dung nghe có sẵn trên Spotify. Và thế là tôi làm podcast

Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng có một động lực khác, nhỏ hơn nhưng cần nói thêm, là những suy nghĩ lắng đọng từ cảm xúc. Tôi có cái thói quen suy nghĩ nhiều, dạo gần đây lại càng nhiều và mệt hơn. Nam Cao từng viết: "Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?". Một người nghĩ lắm như tôi cũng cho rằng mình như vậy. Mà suy nghĩ nhiều nếu không viết ra, mài đi mài lại thì nó cứ lập lờ, quanh quẩn mãi trong cái nơ-ron, không thể thoát ra được.

Tôi làm gì ngoài việc làm podcast?

Làm podcast là cách nói quá. Tôi không coi nó là một nghề thứ 2, thứ 3 gì cả. Xem chị Chi nhiều nhưng tôi không có bao nhiêu ước vọng làm cái nghề bán con chữ, nước bọt. Hoặc giả như tôi chỉ là cái mầm tí con, còn làm mọi thứ như là một thú giải trí thuần túy. Chắc phải thật lâu, thật lâu nữa tôi mới tới cái giai đoạn xem cái kinh nghiệm mình là quý báu để mang đi kiếm tiền được.

Hiện tại tôi đang làm kỹ thuật tại một tập đoàn công nghệ lớn, tại Việt Nam. Tôi nói hiện tại tức là thời điểm cái bài viết này được viết ra, còn lúc các bạn đọc được, nghe được thì không chắc. Chính tôi cũng không chắc sang tháng tôi có làm tiếp ở đây không. Ai cùng ngành và có quen biết tôi, hẳn biết chuyện gì đang xảy ra. Và trường hợp tôi thì nói chung là "anh em đang cố gắng" mà thôi.

Mấy thứ trên đây nói về gì?

Nói là làm podcast, nhưng tôi vẫn tải các tệp thu âm sẵn của một số vấn đề tôi muốn nghe mà không cần phải xin bản quyền, chủ yếu là các bài viết của lãnh đạo trên các báo chính trị, các văn kiện công khai. Có một số là những bài viết xàm xí của tôi trên blog, lâu lâu lại là những bình luận, phân tích rởm đời. Nghe lại những gì mình đọc, mình viết có cái hay của nó. Có dạo tôi viết nhật ký, sau đọc lại thì tưởng như người khác chắp bút. Nhiều khi ta quên mất chính mình đã từng như vậy. Nghe để biết, nghe để hiểu, nghe để nghiền ngẫm, nghe để học và để nhớ, nghe để hồi tưởng và nhìn lại. Cái sự nghe như kiểu chính mình dạy học cho mình vậy.

Những vấn đề chính trị, xã hội mà tôi làm ra đây, ít nhất ở tiếng Việt, tôi thấy có ít người nói. Khi tìm kiếm philosophy trên podcast, tôi không thấy có bao nhiêu kênh có nội dung hay cả. Hoặc là hàn lâm thuần túy, hoặc là giọng văn, nội dung có sử dụng thủ thuật. Nghĩa là các nghiên cứu, các nội dung đề cập đôi khi lại dẫn chứng vài số liệu không toàn diện, không đúng, dẫn tới có sự sai lệch trong cách nhìn, cách hiểu của độc giả. Hội đồng cừu là một kênh cung cấp góc nhìn thú vị. Tuy nhiên nó không mang tính hội đồng. Như tác giả tự nhận là nhà nghiên cứu cánh hữu, các số liệu, chủ đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu cũng nhằm phổ biến quan điểm chính trị của tác giả. Vậy nên nó thiên kiến.

Tôi nói như vậy, bởi chính tôi cũng sẽ thiên kiến, và các nội dung tôi cung cấp cũng chỉ nằm trong vài chủ đề tôi quan tâm. Tôi không có nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu những điều tôi không thích. Nhưng kể cả những việc tôi làm có nguồn thu nhập như kênh khác, thì e rằng việc nghiên cứu một chủ đề khác nằm ngoài khả năng. Tôi được chỉ ra điều này, khi giảng viên của tôi nói rằng, mặc dù có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra có lợi ích của việc uống cafe, nhưng lại không có nghiên cứu nào chỉ ra tác hại của nó; ảnh hưởng của sóng tới cơ thể con người cũng vậy.

Thầy nói rằng, bản chất của sóng trong lò vi sóng, và sóng do các thiết bị di động chúng ta đang sử dụng không có khác biệt quá nhiều. Sóng trong lò vi sóng làm chín đồ ăn, vậy có khi nào sóng điện thoại, sóng viễn thông đang làm chín chúng ta? Chúng ta thực sự không biết nó ảnh hưởng như thế nào, ít hay nhiều, tốt hay xấu. Khi một nghiên cứu ra đời với mục tiêu chứng minh rằng sóng 5G có hại cho sức khỏe, có lẽ nó sẽ bị đình chỉ tài trợ. Phần kinh phí đó sẽ chuyển qua quảng bá cho sức mạnh (dĩ nhiên) của sóng 5G và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

Cho nên, những chuyện tôi nói, rõ ràng sẽ theo một xu hướng nhất định. Nhìn ở bình diện nhỏ vài bài, có thể sẽ không thấy rõ, nhưng bao quát hơn, khi kênh có vài chục nội dung, độc giả hẳn sẽ thấy điều đó. Tôi sẽ không thay đổi nó chừng nào mục đích của tôi chưa thay đổi.

Viết để làm gì nếu chỉ cần nói?

Việc viết lại, trước khi nói có cái hay của nó. Giống như soạn bài văn hay phát biểu, thông qua viết ta chỉnh sửa được cái tứ mà mình định nói, không lan man, dài dòng, đi xa khỏi các vấn đề vốn có giới hạn thời gian để nói.

Nhiều người cho rằng việc chỉ nói mà không cần viết mới là giỏi. Cá nhân tôi cho rằng việc một người có thể trình bày trôi chảy một vấn đề mà không cần lập dàn ý trước, là một người rất giỏi. Nhưng không đồng nghĩa với việc người cầm giấy đọc là dốt. Tôi là người rất tự tin về việc nói, dù rằng như các bạn nếu đang nghe, thì giọng tôi không hề tốt có phần khó nghe. Tôi giỏi biện luận và có thể nói một vấn đề rất dài, nói hàng giờ để dẫn dắt từ vấn đề này tới vấn đề khác. Tôi tự thấy tôi hay lan man, vì vậy tôi cần phải viết. Một điều mà tôi thấy hay ho hơn hẳn, là tôi có thể biên soạn những câu thật dài, với ý bao trùm các khía cạnh khác nhau. Bình thường nếu chỉ nói, tôi sẽ bị ngắt quãng và có đôi khi phải dừng lại một chập để suy nghĩ.

Thứ nữa là tôi viết để ước lượng tôi sẽ nói trong bao lâu. Như các bạn đang đọc bài viết, phía trái có một ô ghi thời gian đọc. Cái số đó không phải tôi tự đặt ra đâu. Có nghiên cứu hẳn hỏi đấy. Tốc độ đọc trung bình của mỗi người đâu đó vào khoảng 265 từ mỗi phút1. Tôi muốn tôi nói bao lâu, tôi sẽ ngồi viết bấy lâu. Tuy có suy chuyển theo nhịp đọc, nhưng tôi nghĩ không đáng kể.

Viết trước, cũng không hề dễ dàng. Như bài này tôi đã cố gắng viết thêm, nghĩ thêm ra vài ý liên quan, nhưng vẫn không dài nổi. Mà podcast thì đâu thể ngắn quá được. Ngắn quá thì sản phẩm không chất lượng, người nghe là chính mình đây tự dưng cũng thấy hụt hẫng. Cái khó là chỉ với chừng đó ý và nội dung, viết mãi mà dài ra được. Lý do tôi làm podcast, vốn chỉ có nhiêu đó thôi. Làm sao viết cho nó dài ra, là một công việc khó khăn.

Có chia sẻ gì về việc làm podcast không?

Hôm nay tôi mới chỉ bắt đầu, vì vậy tôi chưa có gì để chia sẻ cả. Tôi chỉ thấy việc tải lên podcast ở Spotify thật vô cùng đơn giản. Nhu cầu của tôi chỉ là muốn đăng lên để nghe thôi, nhưng cách nó hoạt động thật sự ấn tượng.

Thú thực là tôi biết rõ cái giọng của mình không hề phù hợp để đi làm podcast. Vì nhiều lý do chủ quan và khách quan, phát âm tiếng Việt của tôi còn khó nghe nữa, nên việc sử dụng giọng đọc của mình để làm một cái gì đó hẳn là điều viển vông nhất tôi từng nghĩ đến, và thực sự thì tôi đang làm. Tôi không biết tôi sẽ duy trì nó bao lâu. Nhưng cái sự nghiệp mà tôi hướng tới, thì không thể vươn tới đỉnh cao nếu không có chất giọng hay được.

Tôi đã lục tìm nhiều hướng dẫn về giọng bụng, giọng mũi, giọng phổi và học hỏi. Tôi vẫn thấy giọng mình phát gớm ghi nghe lại.


  1. Medium Help Center. Read time. 2024. URL: https://help.medium.com/hc/en-us/articles/214991667-Read-time (visited on 2024-09-20). 

Mười năm có dài không?

Con người sinh ra, liệu có số phận định sẵn hay không? Có phải Chúa hay đấng tối cao nào đó định sẵn tôi, hay các bạn, hay tất cả chúng ta sinh ra, lớn lên, làm việc, bệnh tật, chết đi đều nằm trong ý Ngài. Hay là đời sống ta hiện tại là kết quả tích lũy của nhiều tiền kiếp hình thành. Hay ta là kết quả của một quá trình xã hội hóa phức tạp mà không thể toán hóa thành phương trình. Hay chính ta là một sản phẩm của quá trình lịch sử tự nhiên. Ai mà biết được? Tôi cũng không biết.

Vậy thì mười năm có dài không? Với đứa trẻ 14 tuổi thì 10 năm chẳng phải đã gần 3/4 cuộc đời rồi. Xem ra cũng dài chứ không phải ít đâu.

Tôi còn nhớ độ mười năm trước, tôi chỉ là một đứa trẻ 14 tuổi. Qua mùa hè thi cấp ba không tốn bao nhiêu sức, nhưng tràn trề thất vọng từ đợt thi tỉnh, tôi cùng mẹ tay xách tay bê vào sống trong bệnh viện. Tôi không nhớ rõ thời gian là bao lâu nữa, chắc độ một tháng, mẹ tôi đi vào mổ sỏi mật.

Trong trí nhớ mập mờ của tôi, tôi chủ yếu giúp mẹ chạy đi gọi ông này, bà kia, đi mua cái này, cái kia. Vật tư trong viện đắt, dùng cái gì cũng phải dè sẻn. Một suất cơm tại căn tin của viện đắt gần gấp đôi bên ngoài. Tuần đầu đi lại bất tiện, tôi ăn cơm căn tin, còn mẹ thì bữa cháo, bữa rau, bữa thì bảo tôi đi xin đồ ăn từ thiện về ăn.

Quãng này, cứ mỗi sáng thăm khám thì người nhà phải ra ngoài. Nhưng mà không kể khoảng thăm khám thì tôi cũng ham chơi, chạy ra ngoài nhiều. Trước ngõ bệnh viện có ông chú già bày cờ thế cho người ta giải, tôi thích xem chỗ này nhất. Số người giải được chắc đếm trên đầu ngón tay, mà lúc tôi xem thì chưa có ai giải được.

Cạnh đó có hàng sách cũ, tôi cũng xem xem nhưng không đọc được cuốn sách nào hoàn chỉnh. Có ông anh bán nước giang hồ lắm, một thân rồng phượng hổ báo, giấu cái dao phay to trong xe rác cạnh hàng. Mấy hôm liên tục có bà thím, hình như do bệnh tật hoặc bị gì đó, hay ra ăn vạ và chửi anh hàng nước dữ lắm. Cuối cùng có một hôm tức quá, ảnh lấy dao ra dọa chém, ai cũng sợ, mỗi thím kia là không sợ, càng gào to lên. Phải mấy bác mấy chú can thì bệnh viện mới không thêm ca cấp cứu. Chiều chiều thì trong viện có khoảng sân lớn, trồng nhiều cây mát, cũng bày ghế đá nhiều. Vài cụ, vài cô chú đi đi lại lại tập thể dục. Tôi cũng nằm trườn ra trên ghế mà ngủ thiu thiu, có hôm tới tận tối.

Bởi vì mổ sỏi mật, mẹ tôi phải gắn cái ống để dẫn dịch. Mấy hôm đầu dịch ứ, hay có vấn đề gì đó, dịch không chảy ra được như mong muốn. Bụng nó sưng to lên như có bầu. Tôi gọi bác sĩ tới, thì bác kiểm tra bằng cách kéo cái ống thò ra, thụt vào, y chang như lúc tôi dùng cái cọ để vệ sinh ống hút trà sữa. Dịch trào ra một chút, sau đó để ống lại đúng vị trí thì nó chảy ra nhiều hơn. Bác sĩ cố định lại bằng cách khâu vài mũi, không dùng thuốc tê gì cả. Lúc sau tôi hỏi mẹ có đau không, thì mới biết phương pháp như vậy gọi là khâu sống, không dùng thuốc gì mà khâu luôn.

Chuyện tắm giặt trong viện cũng rất là khó khăn. Khó như thế nào tôi cũng không nhớ được, chỉ nhớ là rất bất tiện. Tôi phải dìu mẹ đi xếp hàng để tắm. Mà mấy ngày đầu thì còn vết thương, thành thử đã khó càng thêm khó. Trước khi tắm rửa thì phải đi nhận đồ cho ngày mới, tôi là người đi nhận cái này.

post

Sau khi lành một chút và đi lại được, mẹ tôi dẫn tôi đi ra một khu chợ đồ ăn cách bệnh viện chừng một cây số rưỡi. Lúc đó tôi cứ nghĩ tại sao không ăn đồ trong viện cho an toàn, hợp vệ sinh. Sau đó tôi mới biết là do đồ ăn ở đây rẻ hơn trong viện. Cũng từng đó tiền nhưng ở đây ăn được hai người, ở trong viện thì chỉ được một phần thôi. Chúng tôi ăn ở mấy tiệm đó cho đến khi ra viện.

Trong ký ức của tôi, có lẽ đó là mùa hè đáng nhớ nhất thuở còn là học sinh. Đó là lần duy nhất tôi hiểu được cái khốn khó của việc đi viện, nhất là với những người nghèo như mẹ con tôi lúc đó. Cũng có một số lần tôi cùng mẹ đi khám này khám kia, hoặc đi theo, hoặc dùng xe chở đi. Người già ấy mà, lắm bệnh lặt vặt, tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ lần cuối tôi tính vào viện thăm, thì mẹ bảo hủy vé đi, lỡ ra thăm mà dịch bùng thì không biết làm thế nào. Thế là tôi hủy vé. Sau đó thì cũng không đi thăm được nữa. Mẹ mất tới nay tròn ba năm.

Mười năm trước tôi 14 tuổi, cháu tôi cũng dừng lại ở tuổi 14. Mười năm trước, gia đình tôi cũng đông vui lắm. Trong hình là sinh nhật của sáu người, viết vẽ nguệch ngoạc trên cái bàn học. Giờ chỉ còn bốn thôi.

Mười năm, đối với tôi cũng không dài, không ngắn. Mỗi khi nhìn lại, tôi cứ thấy nó có vẻ được sắp đặt sẵn. Chắc có lẽ do tôi đã trải qua cả, biết hết diễn biến mạch truyện, thành thử như là đã được sắp xếp từ trước. Còn sự thực ra sao, tôi không biết. Tôi không tin vào thần thánh gì cả, nhưng cũng không chứng minh được họ tồn tại hay không. Vậy tôi chỉ thong thả mà đi, mỗi ngày suy nghĩ và cố gắng thêm một chút.

Số nó mà có, nó tới thì cứ để nó tới thôi, cũng đâu làm gì khác được.

Người bình thường

Là một người nhiệt thành với phép biện chứng duy vật, tôi vô cùng tin tưởng và chấp nhận rằng nguyên lý phát triển tồn tại trong thế giới vật chất (và cả tinh thần) này. Nói một cách đơn giản, thì dù cho trồi sụt thế nào, lên voi xuống chó thế nào, khúc sông dài ngắn thế nào, rốt cuộc rồi con người, xã hội, vật chất hay tinh thần đều phát triển. Có thể nó không tiến lên từng ngày, nhưng nhìn ở một khoảng thời gian đủ lớn, cơ bản ta có thể kết luận nó đang phát triển.

Lạc quan mà nghĩ, tôi và các bạn, trên những con đường khác nhau, chặng đường không giống nhau, đều hy vọng mình tiến lên. Dù sao, mình cũng mong muốn mình nằm trong "đoạn phát triển" chứ không phải "khúc giảm tạm thời" trên biểu đồ chung. Không có gì là quá đáng khi trong giấc mơ đó, ta ước ta là kẻ tiên phong, đứng đầu, giỏi nhất, thành công nhất, mở ra thời kỳ mới, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, ông vua con trong hẻm, có người còn mơ ước trở thành Chúa Giê-su, Phật Thích Ca của thế kỷ XXI nữa. Ai mà chẳng muốn trở thành vĩ đại.

Nhưng hỡi ơi, cuộc sống không giống cuộc đời. Nhìn chung, ta tuy có phát triển, tốt lên, nhưng như mọi người bình thường khác, ta sống bằng lương tháng và chờ tới ngày lãnh lương hưu. Lúc dư dả thì ăn mặc thêm một chút, lúc eo hẹp thì cũng cố gắng co ro cho ấm. Nhìn lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống thì không ai bằng mình cả. Ở vài khía cạnh, quả thực tôi có khác biệt với mọi người. Nhưng để mà nói tôi đặc biệt, thì có phần tự mãn, thậm xưng.

Nhiều quảng cáo, tuyên dương, tuyên truyền, gương điển hình là những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ. Họ cố gắng, nỗ lực làm việc, suy nghĩ tìm tòi để phát triển. Nhiều người còn giỏi nhất nhiều năm nữa. Quả là tự hào hết đỗi, tôi ước gì mình cũng được như họ. Nhưng tại, bị, thì, là, vô vàn nguyên nhân chủ quan, khách quan, kể cả có thật hay do tôi tự nghĩ ra, đều dẫn tới việc tôi không thể thành công như họ. Tôi cũng thấy tôi không kinh nghiệm, sâu sắc như thế hệ trước, mà cũng chẳng thông minh, linh hoạt như các em sau này. Nhiều lúc tôi thấy một việc rất là cần thiết, phải làm ngay mà tôi còn trì hoãn mãi chưa làm. Vậy sao đòi hỏi thành công rực rỡ được.

Nhưng mà, làm người bình thường cũng khó lắm. Làm sao cho mỗi ngày mình đều giỏi hơn, tốt hơn một tí, đặng noi gương các bạn ở trên. Đồng thời cũng cũng phải nỗ lực hơn để không bị tụt lại. Dẫu biết rằng mình cũng không phải là quá tệ, nhưng không kém hơn mong ước phát triển, nỗi lo tụt lại cũng lớn không kém. Ai mà biết được sau 6h ta có trúng số và giàu lên bao nhiêu, nhưng ta cũng chưa chắc chắn được ta có thảm bại ngày mai không. Ai cũng nghĩ The Platform có độ 200 tầng thôi, ai ngờ nó có tới 333 tầng đâu.

Vậy nên, cá nhân tôi nghĩ, cũng cần phải quan tâm đến mấy người sống bình thường (là số mà tôi nghĩ là nhiều nhất). Vừa không có gia tài bạc vạn để phung phí, vừa không thể nằm dài nhận trợ cấp chính sách được. Dạo trước, khi họp mặt anh chị em chi bộ các thời kỳ, có anh và chị mình nói về "người bình thường" làm mình rất tâm đắc. Hầu hết sinh viên ra trường không giỏi như thầy A để xin học bổng du học, đi Tây đi Úc, cũng không giỏi như anh B ra mở doanh nghiệp, chị C ra làm tập đoàn lớn, xuất ngoại công tác ở những tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết mọi người đều ra trường, kiếm một công ty có mức thu nhập chấp nhận được, tàng tàng làm, thăng tiến "theo tiến độ" rồi đến một giai đoạn thì nghỉ hưu. Vậy thôi.

Bởi vì lẽ đó, tôi tự rèn luyện bản thân sao cho hạnh phúc, cứ cố gắng làm tốt hơn mà không tự áp lực cho mình. Tôi tự thấy anh chị tôi đang làm nhiệm vụ này thật ý nghĩa và thấu đáo. Tuyên dương một người giỏi, xuất sắc sao cho hiệu quả đã khó. Tuyên dương một người bình thường còn khó hơn. Tự tôi cũng chưa nghĩ ra làm sao để một người bình thường nở hoa đây. Ai cũng đặc biệt theo cách của mình, là một cách nói khác của chẳng ai có gì đặc biệt cả. Nói vài thứ khác biệt của mình là đặc biệt, tôi thấy giống như bảo gen tôi là đặc biệt vậy. ADN tôi là duy nhất, ARN của tôi là đặc biệt, tôi mang trong mình ký tự D. của thời đại. Khá là khiên cưỡng. Tôi tự thấy mình không đặc biệt gì lắm, cũng không cần đặc biệt gì cả. Tôi chỉ cần là một người bình thường, đi làm, nhận lương, tiêu tiền, tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Như vậy thôi tôi cũng hạnh phúc rồi. Phải chăng đó chính là: hạnh phúc không phải điểm đến, mà là hành trình chúng ta đang đi?

Còn bạn, bạn có bình thường không? Bạn có hạnh phúc nếu đang là người bình thường không?

Những thần tượng của tôi, các bạn vô cùng giỏi và đặc biệt, các bạn có đang hạnh phúc không? Hạnh phúc của các bạn có bình thường như hạnh phúc của tôi không?

Nghề viết

Dạo gần đây, mình cứ quanh quẩn mãi cái suy nghĩ viết gì, viết như thế nào, viết ra làm sao cho hay. Một mặt, chắc mình viết "code" nhiều quá, nhưng mặt khác chắc là mình đọc nhiều thứ quá. Thành thử phải viết ra để quên đi cái đã đọc.

Mấy thứ mình đọc, chả phải sách hay truyện gì cả. Chủ yếu là tài liệu chuyên ngành mà tôi. Tài liệu triển khai phần mềm, đánh giá, hướng dẫn. Đủ thứ cả. Từ lúc đọc xong cuốn Giết con chim nhại xong, mình chưa bắt đầu bất cứ một quyển sách mới nào cả. Mình đọc mấy cái văn vở của người khác trên facebook mà thôi.

Có người em mình quen trên mạng, chưa gặp mặt trực tiếp bao giờ, chỉ nhắn tin qua qua vài câu thôi. Em đọc sách và viết rất nhiều. Mỗi lần em đăng bài, mình đều đọc qua, có bài thì đọc kỹ. Cảm tưởng số sách em đọc một tháng chắc bằng mình cả năm. Em viết về học sinh phổ thông nè, em viết về phụ nữ, về bình đẳng giới nè. Mình thấy em chia sẻ cái bài viết về khuyến đọc. Đại ý rằng làm khuyến đọc khó, nhưng đâu thể không làm đúng không.

Mình có kết bạn với một anh làm video hay lắm, tô màu những thước phim trắng đen cũ. Những thứ anh làm mình thấy hay và to lớn lắm, truyền cảm hứng rất nhiều. Có dạo anh đăng video về giáo sư Tôn Thất Tùng, một chuỗi luôn. Có cái video nội dung rất ấn tượng, đại ý cụ Tùng bảo những người thời cụ, cảm thấy thiếu một cái gì đó, cảm thấy mình không có tổ quốc, cảm thấy khó chịu. Nên khi gặp Bác, Cụ bỏ, bỏ hết, bỏ hết nhà cửa vàng bạc để theo. Mình thấy mắt Cụ sáng lên trong cái video cũ, nhưng mình cũng thấy ánh mắt của anh trai làm video sáng nữa. Anh làm, anh đăng youtube cho mọi người xem miễn phí, nhưng cũng lèo tèo lắm. Anh làm, anh đăng, nhiều kênh người ta không xin phép mang về đăng, còn xóa cả logo nữa. Vậy mà anh vẫn làm.

Nên, nhiều khi có vài chuyện, mình thấy làm nhiều chuyện chưa đâu vào đâu, mà nhiều người vẫn làm. Như mình ngoài viết code thì mình cũng viết văn vở dài ngoằng như này nữa. Không phải cao siêu gì, mà mình chỉ muốn viết ra cái suy nghĩ của mình. Xong ai cảm thấy quan trọng thì người ta xem, người ta thu thập. Biết đâu sau này, đoạn văn này lại được trích dẫn đâu đó thì sao. Không phải vì vậy, mà mình mới viết. Mình có xem và đọc được một bài, nói rằng người ta nên viết. Viết về thời đại của người ta, để sau này khi mà ai làm nghiên cứu gì đó, thì có cái mà tổng hợp. Tự chính mình viết nên thời đại mình, con người mình. Chứ mình có ngàn học trò như Khổng Tử hay Hegel đâu mà có người chép lại.

Phân vân giữa chuyện có nghĩa, và chuyện vô nghĩa nhưng phải làm thì mệt mỏi lắm. Kể cả khi làm chuyện có nghĩa, mà ta thấy mãi nó không có kết quả gì thì cũng phiền muộn lắm. Mình ngồi đọc hàng đống chữ mà chả hiểu gì, cũng chán lắm. Hay thôi bỏ đi nhỉ, làm đại khái thôi, chưa pass thì ta sửa test case cho pass, có khó gì đâu. Nhưng mà khi mình đọc, thấy có người như vậy, mình lại thêm cố gắng đọc và viết nhiều hơn nữa. MÌnh thấy mình phải viết, viết nhiều hơn nữa. Cứ viết cho lắm, cho nhiều, nếu không có ai đọc thì sau này mình đọc lại, mình thấy mình đã từng một thời như vậy, thì cũng hay.

Muốn viết nhiều, mình phải đọc nhiều. Làm sao mà viết liên tục nhiều bài mà không đọc được. Chữ đâu mà viết. Thế mà mình thấy vài anh chị làm tạp chí điện tử viết cụt lủn, nội dung không chính xác, đối tượng phản ánh sai, viết bài nhiều khi cho có KPI chứ không có nghiêm túc lắm, như có chị cộng tác viên chuyên đi copy bài từ facebook sang website, xong lại dẫn nguồn về facebook mà không sửa tí gì vậy, làm nhiều người hiểu sai đối tượng của bài viết đó. Mình có chị làm báo, cũng lâu rồi không gặp, mà lâu lâu chị hay nhắn mình để hỏi han, lấy ý để viết bài về vấn đề này, chuyện kia. Tức là chỉ cũng đi sát đối tượng bài viết của chỉ để phỏng vấn chứ không tự nghĩ ra mà lên báo.

Nghề viết, nhìn thì dễ mà thực khó vô cùng. Ở cái thời đại mà chả còn bao nhiêu người mù chữ, thậm chí có người nói viết thành thạo được mấy ngôn ngữ, thì tự nhiên cái việc viết nó trở nên thông dụng. Nhưng để viết hay, viết tốt đã khó, đằng này còn phải viết có ý nghĩa, có đóng góp, với trách nhiệm trĩu nặng trên vai còn khó vạn lần. Nghề gì mà chả cơm áo gạo tiền, nghề gì mà cả muốn có dăm ba đồng nuôi con.

Tuy vậy, nghề viết, đặc biệt là nghề báo, ảnh hưởng rất nhiều tới xã hội. Ngoài mang tính thông tin, nó còn định hình tư tưởng xã hội nữa. Viết hay thì là nhà báo, nhà văn, mà tệ thì chỉ có thể xem là bồi bút mà thôi. Tôi không phải nói rằng, văn chương phải theo kịp hơi thở thời cuộc như cụ Nam Cao. Nhưng những nội dung con chữ truyền tải phải mang ý nghĩa nhất định nào đó, và suy cho cùng thì nó phải tốt, làm cho con người tốt đẹp lên. Viết, phải đặt cái tâm thực sự vào đó. Dùng từ, câu cú sao cho chuẩn mà hay, theo cái cách mà người nếu không học viết thì không viết ra được. Dạo trước, tôi có nghe câu chuyện dịch tiêu đề phim, từ "Civil war" trong tiếng Anh, dịch thành "Ngày tàn của đế quốc" là sai về mặt ngữ nghĩa, nhưng lại đúng về mặt thương mại. TỨc là nếu dịch đúng, phim sẽ chẳng hấp dẫn mấy mà kéo người đi xem được. Trong giới hạn cho phép của từ ngữ, ta sửa nó đi đôi chút để đạt được mục đích thương mại, cũng là dễ hiểu.

Câu cú trong văn thì trau chuốt, từ ngữ thì phải đẹp, ngữ pháp đúng, chính tả chuẩn. Hợp lại cả mới trở nên áng văn hay. Tiếng Việt, mà nói ở đây là chữ quốc ngữ còn non trẻ, chỉ độ 100 năm. Số lượng từ đâu đó vài vạn, thì thực là còn chưa hoàn thiện để diễn tả hết cái ý của con người được. Càng là nhà văn, nhà thơ, người buôn chữ, thì càng phải ra sức sáng tạo, dùng đi dùng lại những từ hay, đẹp, tạo nên từ mới để làm giàu con chữ. Tôi thật là kỳ vọng sau này bản thân mình làm được, hoặc giúp sức ai đó có chuyên môn ngôn ngữ chuyển được hết các từ tiếng Anh trong ngành công nghệ sang tiếng Việt để tránh một văn bản nửa tây nửa ta. Kỳ thực, nhiều từ chỉ mang tính tạm dịch, có những từ không thể dịch vì khi dịch ra thì nó sai nghĩa hết cả.

Tôi đọc nhiều tiểu thuyết, tôi mê mẫn cái cách bố Atticus dạy con trong Giết con chim nhại, sống trong khát vọng của Pavel trong Thép đã tôi thế đấy, nhưng tôi cũng sống cùng D’Actanhang trong Ba người lính ngự lâm hay Dantès trong Bá tước Monte Cristo. Tôi hiểu tấm lòng Vũ Như Tô khi xây Cửu Trùng Đài nhưng cũng đồng thời hiểu cái đói rách trong thời đại của Nam Cao. Tôi mong mỏi, rèn giũa mãi để viết được hay như Lỗ Tấn nhưng không phải chỉ chờ tới lúc đó tôi mới viết. Tôi thấy mình cứ muốn viết, và viết. Thế thôi.

Tôi cũng hiểu, vài cái suy nghĩ của tôi chỉ là ếch thôi. Không ai hỏi thì bộ trưởng tự trả lời vậy. Mình không trong nghề viết, không kiếm tiền bằng con chữ, tự nhiên cái chữ của mình nó không sợ gì cả. Chứ mà ngồi viết ăn lương, chưa chắc mình đã nghĩ như vậy. Dẫu sao, người trong chăn mới biết chăn có rận, mong rằng cách anh chị thấy rận thì bắt bỏ đi.

Sông có nhiều nguồn

Hoạt động con người là có ý thức. Nghĩa là mỗi một người, dù trưởng thành hay không, bình thường về mặt tâm thần học tự nhiên có ý thức cho chính hành động của họ. Đây là một tiền đề được xác định và thường, là nền tảng cho nhiều suy luận khác. Một người bình thường, khi giết người hẳn biết hành động của họ là tội lỗi. Vì vậy họ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, nơi mà trước đó đã quy định rằng một người bình thường, phải biết được giết người là hành động cấm, và nhận thức sâu sắc được sự trừng phạt nào sẽ dẫn tới. Đó chỉ là một trong vô vàn tín điều, đã được phát triển và duy trì để duy trì sự phát triển của chính nhân loại, mà theo như Harari nói, hoặc bất kỳ ai mà ông đã trích dẫn, rằng sự phát triển của loài người, chính nhờ sự cộng tác của nhiều cá thể.

Ta ít thắc mắc về những tín điều đã được hình hành và giữ gìn. Ở khía cạnh khác, ta ít khi đủ sức để thay đổi một thứ gì đó ở ngoài xã hội. Các hoạt động thay đổi chính chúng ta còn khó khăn, trải qua nhiều đấu tranh và suy nghĩ, để quyết định rằng chính ta cần thay đổi. Đó cũng chỉ mới là bước đi đầu tiên, ta còn phải tự thay đổi, bỏ cuộc, tiếp tục, hoài nghi, thay đổi đích, thay đổi phương pháp thực hiện, thay đổi cách thức đánh giá... để điều chỉnh một tín điều nhỏ mà ta đã áp dụng cho mình.

Xã hội, hay lịch trình sự sống, cả về thể xác lẫn tâm thần, đặc biệt hơn cả gen đến nỗi, mỗi một người tự nhiên họ có trải nghiệm khác nhau. Nghĩa là, dù có là anh em sinh đôi với mã ADN gần giống hệt, thì hai cá thể đó khác nhau hoàn toàn. Sự sống sinh học, trải nghiệm tâm linh, kết nối, giao tiếp xã hội... đưa nhiều tín điều vào cơ thể ta, và có lẽ, gây ra phản ứng trong ta khiến ta sinh ra những tín điều cho riêng mình.

Dù chiến lược gia tài ba nào, trong thời đại này cũng khó có thể xây dựng được một trải nghiệm theo ý của họ. Tự nhiên trong đời họ xảy ra nhiều chuyện, tạo ra nhiều dòng tư duy khác nhau. Trong cùng cấu trúc não, những dòng điện sinh học có thể được bắt được bằng các thiết bị tối tân, vốn là một hạt cát trong sa mạc nhận thức của con người, cũng đã phản ánh những nội dung khác nhu trong suy nghĩ vậy.

Những trải nghiệm, hoặc làm chấn thương, hoặc tạo mới dòng suy nghĩ, hoặc tái tạo lại, hoăc tốt, hoặc xấu, hoặc cả hai ảnh hưởng lớn đến tư duy của cá thể. Con người, dù chủ quan bởi chính sự trải nghiệm nhưng đồng thời tự họ cũng phản ánh cái khách quan vốn có của những gì họ đã trải qua. Những điều này, làm suy nghĩ phức tạp và khó đoán, kể cả với chính họ.