Skip to content

Rừng Na-uy

Rừng Na-uy, không phải là chỉ một khu rừng nào cả. Đó là tên một bài hát của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles. Đây là bài mà nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết, "nàng" Naoko yêu thích và "phải trả tiền cho mỗi lần nghe đàn" của chị Reiko. Khi đọc sách, mình đã dừng lại và tìm kiếm bài hát để nghe. Một bài hát ngắn thôi, tiếng đàn ghi-ta rõ từng nhịp, có lẽ đó thứ âm thanh nói lên tâm tư của thời đại trước. Nhưng hay hơn, vẫn là những ca từ đơn giản, tình cảm và giàu ý nghĩa, như Trịnh Lữ đã nhắc tới trong phần giới thiệu.

Mình vẫn luôn thích bố cục của những sản phẩm được sản xuất chỉn chu. Cuốn sách có vài nhận xét của các tờ báo, tạp chí, tác giả khác, giới thiệu về tác giả cuốn sách, Murakami Haruki. Nhưng với mình, đầy đủ hơn cả là lời người dịch. Mình cho rằng, ngôn từ luôn mang trong mình chất nghệ thuật riêng có, tính tượng thanh, tượng hình hay chơi chữ được chuyển sang ngôn ngữ khác khi dịch thì mới giữ trọn vẹn ý nghĩa tác phẩm. Trịnh Lữ đã nói ra suy nghĩ của ông khi đọc tác phẩm, thông qua câu từ mà truyền nguyên vẹn tới tay bạn đọc, mà ông vẫn khiêm tốn nhận rằng bản dịch hẵng còn có thể cố gắng thêm.

Đến với Rừng Na-uy, ta thấy đúng thực là cái chết không phải đối lập với sự sống mà chính nó là một phần của sự sống, đang diễn ra và đi cùng chúng ta mỗi ngày. Nhiều người đã yêu và chết vì tình yêu của họ. Họ khát khao được yêu, yêu bùng cháy và trần trụi, nguyên nghĩa, làm ta đôi lúc tự hỏi có phải tình yêu chính là như vậy. "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu" ngoài câu trả lời của Xuân Diệu thì có chăng, chính là như vậy. "Làm sao sống được mà không yêu, không nhớ không thương một kẻ nào?", nhiều người trong tiểu thuyết đã chết vì tình yêu của họ không còn nữa, người yêu họ đã chết hay tình yêu họ đã chết. Họ đã tự kết liễu mình theo những cách khác nhau. Chỉ có Toru là còn ở lại, ngồi trên máy bay và hồi tưởng lại những kỷ niệm thời trẻ của anh.

Mình thích cách mở đầu khi kể chuyện. Phải đến khi những ký ức về Naoko chỉ còn mờ mờ, những mảnh ký ức không liên tục, Toru mới viết về câu chuyện của anh. Như đời sống của chính ta vậy, những điều mới trải qua, quá rõ ràng, ít khi làm ta có cảm giác hồi tưởng và suy nghĩ về nó.

Cả thời đại học của Toru sống trong ký túc xá, ngoài những câu chuyện dung tục của anh và Nagasawa, thì không gì hơn là anh bạn cùng phòng. Mình ấn tượng với anh chàng học làm bản đồ có thói quen sống sạch sẽ và lành mạnh này, hơn những câu chuyện tình yêu, tình dục của Toru. Tiếc là nhân vật này dần dần mất đi trong những câu chuyện của Toru, nhường mạch kể cho những đêm ân ái của Toru và các cô gái của anh.

Thứ làm nên hiện tượng văn hóa của Rừng Na-uy, có lẽ chính là cách sử dụng ngôn từ trong những lần ân ái đó. Chuyện trai gái đến rất tự nhiên và mãnh liệt, tác giả miêu tả mọi thứ, những điều vốn là định kiến, xiềng xích trong tư tưởng của các lớp thanh niên trong xã hội Nhật những năm 60, là những thanh niên đại học đương thời đang đấu tranh (Toru xem là đạo đức giả).

Dù chỉ là phần nhỏ, những xung đột tư tưởng, về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, một đoạn nhắc nhỏ tới chủ nghĩa Mác, chính là hiện thực tư tưởng của thanh niên thời đại đó. Họ loay hoay trong những thay đổi lớn lao của thời đại về kinh tế và tư tưởng, họ không biết làm cái gì, phê phán đối tượng nào, xây dựng cuộc sống ra sao. Điều duy nhất họ biết là yêu, yêu hết mình, yêu theo đúng cái cách mà họ muốn. Và khi không còn đạt được nó nữa, họ ra đi theo cách của họ.

Cái chết không phải đối diện với sự sống, nó đi cùng sự sống và bên cạnh ta mỗi ngày.

Was this page helpful?