Skip to content

Quê hương Đô Thành

Xã Đô Thành, nằm về phía Đông Bắc huyện Yên Thành, cách huyện lỵ khoảng 16 km. Phía Tây giáp với xã Đức Thành và Thọ Thành, phía đông và Đông Bắc giáp xã Diễn Hồng, Diễn Yên, phía Nam giáo xã Diễn Tháp của huyện Diễn Châu (Nghệ An). Tính từ kênh Vách Bắc, phía Nam 100% là đồng bằng, phía Bắc trên 1/3 diện tích là đồi núi.

Mang đặc điểm của vùng Bắc Trung Bộ, khí hậu ở xã Đô Thành chia làm hai mùa rõ rệt, mùa nóng và lạnh. Mùa nóng thường từ tháng 4 - 10. Đây là mùa có nhiệt độ cao, gió mùa Tây Nam (gió Lào) thường về vào đợt tháng 5 khi lúa Đông Xuân trổ bông. Cuối mùa nóng, có nhiều mưa lớn và bão lũ, một số năm gây thiệt hại lớn về nhà cửa và con người. Mùa lạnh từ tháng Mười một tới tháng Ba năm sau. Mùa này, gió mùa Đông - Bắc thổi mang hơi lạnh về nên nhiệt độ thấp, có năm xuống dưới 10 độ C. Tuy không lạnh như một số huyện miền núi phía Tây Nghệ An, mưa phùn, ẩm ướt vẫn ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người dân và gia súc.

Năm 1933, chính quyền thuộc địa cho đào một con kênh từ ba-ra Đô Lương chảy qua các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Đoạn chảy qua địa phận xã Đô Thành được nhân dân gọi là sông cái. Nhờ có sông Cái, nhiều héc-ta đất đã được cải tạo thành đất nông nghiệp, có năng suất màu mỡ. Tới mùa hè, học sinh hay ra sông tắm, đoạn bơi từ phía bờ sông bên này sang bờ bên kia. Nhiều em đã thiệt mạng tại khúc sông này, trong đó có cả cháu ruột tôi.

Năm 1976, kênh Vách Bắc được đào nối từ vùng núi phía Tây của huyện Yên Thành ra đến Diễn Vạn, Diễn Châu. Kênh này không nhằm mục đích nông nghiệp mà dùng để tiêu úng cho một số xã vùng Đông Bắc huyện Yên Thành. Năm 2015, cầu bắc qua sông Vách Bắc được xây lại đẹp và chắc chắn hơn, đảm bảo nhu cầu di chuyển qua lại giữa hai vùng trong xã. Cạnh sông có chợ lớn, họp càng đông hơn vào các dịp lễ, nhất là cuối năm. Lúc hàng hoá còn khan hiếm, chợ Vách Bắc là nơi sắm sửa tết của bà con nhân dân xã.

Từ cuối thế kỷ XV, bắt đầu từ ông Hoàng Quý Công, tới các ông Nguyễn Kiều Lương cùng các con cháu là những người đầu tiên tới địa phận làng Am Bản (nay thuộc xã Đức Thành, Yên Thành) để khai thôn lập ấp. Sau đó, nhiều dòng họ khác như họ Trần của ông Trần Phúc Diên, họ Bùi của ông Bùi Phúc Thấm cùng họ Đàm, họ Phạm, họ Ngô, qua hàng thế kỷ nỗ lực, xây dựng Am Bản trở thành trại cày lớn tên là Triêm Vũ. Sau Triêm Vũ, các xóm Đông Thị, Yên Hội được hình thành, trực thuộc thôn Ngọc Sơn. Thôn Ngọc Sơn là một trong ba thôn thuộc xã lớn thuộc xã Đại Độ. Sau hơn 2 thế kỳ, vùng đất hoang dưới chân hòn Rồng, hòn Dẹt, hồn Chúa, hòn Dạ trở thành những đồng bằng màu mỡ.

Đại Độ là một xã lớn của tổng Quỳ Trạch, trực tiếp quản 3 thôn là Ngọc Sơn, Phú Vinh và Thọ Vực với nhiều dân cư. Làng Xuân Lai được hình thành khi Đại Độ đã trở thành xã lớn, được tách ra ra từ trang Le Le của xã Đại Độ. Tuy đất ruộng ít, Xuân Lai là một trong những làng có nhiều học trò thành đạt trên con đường khoa cử, có người đậu đến Phó bảng, cứ như vậy mà trở thành họ lớn trong châu lý.

Qua nhiều thay đổi, cho đến 1945 trước khi nước ta thành lập, Đô Thành gồm các làng Đại Độ, Gia Mỹ, Xuân Lai, Kim Chi và Phú Tăng. Cách mạng Tháng Tám thành công, các xã Đại Độ, Gia Mỹ, Xuân Lai và Phú Tăng nhập thành một xã lấy tên là Đại Gia. Năm 1953, xã Đại Gia tiếp nhận thêm các phần đất đai và dân cư của Sung Yên, Hoa Khê và đổi tên thành xã Đô Thành mới. Tên gọi Đô Thành từ đây mà có.

Vào cuối dịp tháng Tư năm nay, Tỉnh Uỷ Nghệ An thông báo phương án sắp xếp xã mới. Nhân dân Yên Thành nói riêng, Nghệ An nói chung xôn xao việc đặt tên xã mới theo tên huyện cũ kèm theo số. Mà số thì là số La Mã chứ không phải số Ả - rập. Bản thân tôi một mặt không muốn xã mình lại có cái tên vô hồn như thế, mặt khác muốn giữ cái tên Đô Thành cho xã mới. Vì vậy có đi vào trang thông tin điện tử của ba xã Đô Thành, Thọ Thành và Phú Thành để tìm hiểu thêm thông tin. Những điều đã nói ở trên là nội dung phần mở đầu trong cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Đô Thành" xuất bản năm 2023. Trong 3 xã được sáp nhập, thì chỉ có xã Đô Thành có lịch sử Đảng bộ (hoặc hai xã kia không đăng lên cổng thông tin điện tử). Với những khai thác như vậy, tôi đã sẵn sàng để góp ý cho Tỉnh uỷ Nghệ An giữ tên xã Đô Thành làm tên cho 3 xã mới. Chưa kịp thực hiện, lắng nghe nhân dân, ba xã chúng tôi được đặt tên chung mới là xã Đông Thành. Vì vậy tới nay tôi mới hoàn thành bài viết này.

Thời điểm có ý kiến sáp nhập, tôi cũng như hầu hết mọi người, đều có băn khoăn về việc đặt tên mới. Là dân chơi điện tử (game online) lâu năm, tôi hiểu chuyện đặt tên nhân vật khó khăn cỡ nào. Tôi có kênh Youtube chuyên đăng mấy bài đồ án thời còn sinh viên tên là "Khó như đặt tên ingame vậy". Mặc dù ví von chuyện đó với chuyện đặt tên xã mới thì không tương xứng. Song cũng từ cái khó của mình mà suy ra cái khó của các bác lãnh đạo có trách nhiệm vậy. Tới thời điểm này, tôi thấy mọi người vẫn băn khoăn về cái tên mới. Báo đài cũng đăng nhiều. Nhưng tôi không thấy mấy bài viết về tình cảm, cuộc sống, người dân ở đó. Phải chăng, muốn viết những nội dung như vậy, thì phóng viên phải tới tận nơi để cảm nhận, một điều mà tôi cho rằng ít người làm trong thời đại hiện nay.

Cũng vào dịp cuối tháng Tư, tôi đọc cuốn "Gia đình, bạn bè và đất nước" của cụ Bình. Phần đầu, cụ tả quê hương Quảng Nam, tả sông Thu Bồn, Gò Nổi. Qua trang sách, tôi như thấy từng bãi biền nổi trên sông và quả thực, dù chỉ thoáng qua trên cầu dẫn vào gò, tôi thấy quang cảnh thật tươi mát và thanh bình. Đoạn, nghe câu hát của NSND Thanh Hoa:

"Người đi qua đây bên con suối con khe

Mà có biết quê hương Vân Kiều

Diệt quân xâm lăng khắp núi khắp sông

Gió rừng xanh nổi lên nơi nơi."

mà lòng cũng bồi hồi nhớ về quê hương. Đô Thành có 12 bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 132 liệt sỹ các thời kỳ. Vừa qua, khi xem thông tin, tôi được biết cụ Nguyễn Thị Hoè được xem xét đề nghị tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Cụ hay diễn vở tuồng Trưng Nữ vương từ cái thời văn hoá nghệ thuật còn nghèo nàn. Nhân dân thi thoảng được xem văn nghệ của đoàn văn công, tôi nhớ có năm còn đi ra xem chiếu bóng ở đối diện trường cấp 1. Ngót nghét cũng gần hai chục năm.

Xã Đô Thành những năm đầu 2000 là xã nông nghiệp, thu nhập về nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế xã nhà. Thời còn tiểu học, phía đồng cây me (nay là phía Tây đường cao tốc) có trồng nhiều ngô xen canh giữa các vụ lúa. Khu vực rộc Cá Gáy thì trồng nhiều luống khoai lang. Tôi và một số anh em hay đi mót (trộm) vài củ khoai nhỏ rồi nướng bằng cách cho cả khoai và bùi nhùi vào ống bơ, xỏ dây thép, rồi vút vòng quanh cho đỏ lửa. Tôi hay được nghe kể nếu làm như vậy sẽ văng tàn lửa cháy đóng rơm, tôi nghe nhiều nhưng chưa bao giờ bị.

Đến năm 2014, xã Đô Thành là một trong những xã về đích đầu tiên của Yên Thành trong thi đua xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân khoảng 24 triệu đồng/năm. Kinh tế xã cơ bản ít phụ thuộc vào nông nghiệp. Người dân Đô Thanh nhìn chung nhanh nhạy trong buôn bán, có tâm lý muốn làm chủ, thường đi học nghề góp đủ vốn là mong muốn ra làm kinh tế riêng. Nhiều người nhân lúc kinh tế phát triển, quy định còn tranh tối tranh sáng đã giàu lên nhanh chóng, có hộ còn nuôi cả thú quý hiếm (hổ) như là nuôi heo. Một bộ phận người dân từ rất sớm đã đi lao động ở các nước phát triển và mang về nguồn kinh tế lớn cho xã. Một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều thanh niên lúc ra khỏi nhà mới chỉ mười tám, đôi mươi, lao động vất vả ở nơi xứ người tới tận 40, 50 tuổi mới về. Cám cảnh khó khăn của đồng hương, ca sĩ Phan Mạnh Quỳnh, cũng là người Nghệ An ở Diễn Vạn (cách Đô Thành độ 15-20 km) đã sáng tác bài hát "Nước ngoài".

Tôi cũng cay đắng mà nhắc lại sự kiện làm thay đổi suy nghĩ của bậc cha mẹ đô thành năm 2019. Một số em đi xuất khẩu lao động đã qua đời do tai nạn trong thùng container khi muốn vào Anh bất hợp pháp, trong đó có 03 em là người Đô Thành. Đây là sự việc đau lòng, đáng tiếc thương nhưng cũng đồng thời là lời cảnh tỉnh cho những suy nghĩ muốn giàu nhanh, chấp nhận những việc làm bất hợp pháp, cuối cùng bị kẻ xấu lợi dụng.

Mặc dù vậy, không thể không công nhận, xuất khẩu lao động đã mang đến sinh khí mới, đóng vai trò là vốn tư bản cho các hoạt động kinh tế khác tại xã. Đến cuối năm 2022, số người dân lao động ở nước ngoài khoảng 1586 - tôi nghĩ đây là thống kê chưa đầy đủ - tổng giá trị thu nhập toàn xã ước khoảng 839,505 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đạt 64 triệu đồng/người. Báo đài có dạo thông tin về làng tỷ phú nhờ xuất khẩu lao động. Đây là sự thật, tôi thấy có phần còn nói chưa hết.

Đô Thành có gần nửa người dân theo Công giáo. Nhà tôi cách nhà thờ chỉ chưa đầy 1km và cách nhà linh mục Antôn Đặng Hữu Nam độ 500m. Xuất phát từ giáo xứ Phú Vinh là xóm tôi ở, nay hầu như xóm nào cũng có nhà thờ riêng. Anh em cộng đoàn sinh hoạt rất thân thiết với nhau và cũng rất thân thiết với chúng tôi là những người không theo đạo. Mỗi dịp lễ Noel hay chầu lượt, các bạn hay mời về nhà ăn tiệc linh đình. Dịp giáng sinh bà con giáo dân tụ tập tại nhà thờ giáo xứ, dựng trại rất đẹp, tổ chức văn nghệ linh đình.

Hoạt động kinh tế đi lên nhanh chóng không khỏi kéo theo nhiều điều. Mặt trái của nó có thể thấy một cách rõ ràng rằng do hầu hết các gia đình khá giả đều từ xuất khẩu lao động hoặc buôn bán mà đi lên, các em mới lớn thường chỉ nhìn đó làm gương mà sự học đã mai một nhiều, dễ sa vào tệ nạn. Nhiều em bị dụ dỗ tham gia sử dụng, thậm chí tiếp tay cho phổ biến các loại ma tuý. Một số em phải đi cải tạo, thậm chí phải chịu án vì những hành vi mình gây ra.

Một vấn đề cuối cùng, là quản lý hành chính về đất đai tại xã không nghiêm. Nhiều người dân đã chiếm đất nông nghiệp, đất ven kênh để xây nhà, hàng quán. Uỷ ban hoặc không xử lý, hoặc xử lý lấy lệ, chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Nhiều đợt thanh tra từ cấp huyện tới cấp tỉnh cũng không thể gỡ rối sự chồng chéo lợi ích tại địa phương.

Chỉ vài hôm nữa, xã mới sẽ chính thức đi vào hoạt động. Hy vọng với chính quyền mới, tổ chức mới, vận hành mới, năng lực mới, lãnh đạo Đảng và Chính quyền sẽ dẫn dắt nhân dân Đô Thành nói riêng, nhân dân Đông Thành nói chung nâng cao kinh tế và mức sống, chuyển dịch tỷ trọng kinh tế, xoá bỏ tệ nạn và khôi phuc tinh thần hiếu học tại địa phương.