Sapiens
Đây là lần thứ hai mình đọc cuốn sách này, với một tâm thế khác hoàn toàn so với lần đầu. Một tâm thế đọc như là đang nghiên cứu một tài liệu khoa học, chứ không đơn thuần là đọc một cuốn sách nữa. Vì vậy, mình tốn nhiều thời gian hơn, cho cả việc đọc và viết những dòng nhìn lại nội dung này.
Tác giả cuốn sách là một nhà nghiên cứu lịch sử người Israel, hiện đang là giáo sư Sử học tại Đại học Hebew. Đoạn giới thiệu về ông trong sách bản tiếng Việt rất ngắn, mình đã tìm hiểu và đọc thêm trên wikipedia và website của ông. Có lẽ vì nhạy cảm, nên ấn bản Việt Nam đã không đề cập rằng ông là một người đồng tính, đã kết hôn với người đại diện và cũng là cộng sự của mình tại Canada. Thông tin trên website của ông chủ yếu là quảng bá sách và quỹ Sapienship của ông.
Cuốn sách viết công phu và tỉ mỉ, số lượng trích dẫn nhiều đáng kinh ngạc. Lượng tri thức cung cấp trong sách đồ sộ nhưng khá gần gũi và dễ hiểu, trải dài nhiều vấn đề: sự tiến hóa của con người từ loài vượn (theo thuyết tiến hóa tổng hợp), nông nghiệp và công nghiệp đã nâng tầm sức mạnh của con người trong thế giới vật chất ra sao, trật tự xã hội hình thành trên những ảo tưởng liên chủ quan như thế nào, chủ nghĩa tư bản, cộng sản, đế quốc đã hình thành và thay đổi thế giới bằng cách nào, Chúa hay đức Phật, hay một vị thần linh bất kỳ của Ấn Độ giáo hay các hiền triết Trung Hoa, Hy Lạp dạy những gì.
Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng tác giả viết theo lối trung dung, dễ dàng tiếp thu nhưng cũng không thể hiện hoàn toàn quan điểm của ông. Có lẽ, quan điểm của ông chính là quan điểm của người làm Sử chính tắc, không dựa vào vài chục, vài trăm năm để đánh giá toàn bộ xã hội loài người, cũng như không dựa vào vài sự kiện để đánh giá một trường phái triết học, Nhà nước hay tôn giáo.
Trong quá trình đọc sách với tâm thái nghiên cứu, mình note và ghi chú lại ở nhiều trang sách. Trong quá trình viết bài này, mình lật mở lại từng ghi chú và viết về chúng. Mình đã bỏ qua một số note, bởi lúc đọc ngay dòng đó thì mình thấy nó khá hay. Nhưng khi viết reivew, mình thấy nó không còn hay như lúc đọc lần đầu; hoặc tương tự như người dịch, mình thấy nó quá nhạy cảm để đề cập.