Muôn kiếp nhân sinh
Tác giả
Tác giả tên thật là Vũ Văn Du, du học ở Mỹ từ năm 1968. Ông có sự nghiệp làm việc và công tác khoa học ở nhiều trường đại học về công nghệ thông tin
Ông cũng là tác giả cuốn Hành trình về phương đông. Trang giới thiệu tác giả trong sách cũng giới thiệu đôi nét về ông. Tuy nhiên lại không có một phần kể về lịch sử của tác giả. Điểm này mình cho rằng là một thiếu sót của nhà xuất bản, vì nội dung các chủ đề ông viết khá đặc biệt, về những chuyện tâm linh khác thường mà theo mình thấy là phóng tác dựa trên những trải nghiệm của ông về mặt tinh thần. Việc giới thiệu bối cảnh của tác giả sẽ cho người đọc mạch suy nghĩ đồng điệu với tác giả, dễ dàng tiếp thu hơn.
Nội dung
Phần đầu, tác giả nói về nhân duyên viết nên cuốn sách. Nội dung cuốn sách viết theo lối đối thoại giữa các nhân vật, mà nhân vật chính trong câu chuyện này là một người bạn của tác giả. Ở đây tác giả sau khi nghe câu chuyện, cảm tác và thuật lại theo lời văn của ông.
Phần hai, nhân vật chính trải nghiệm và hồi tưởng về ký ức của bản thân ở một nơi gọi là Atlantis, một vùng gồm 3 quốc gia cổ xưa, có những tiến bộ khoa học vượt bậc nhưng ý thức đạo đức xã hội vẫn theo lối bầy đàn.
Nhân vật chính là một y sĩ xuất sắc, với một công cụ chữa bệnh có sức mạnh siêu phàm, có thể phân giải tế bào trong cơ thế người đến mức nguyên tử. Quốc gia của ông (Arya) nhỏ nhất trong 3 quốc gia, theo một tôn giáo tương tự thờ thần mặt trời. Hai quốc gia kia đấu đá với nhau và, nếu quốc gia nào thắng thì đất nước của ông sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo. Ông này đã vi phạm điều cấm, học một thứ tà thuật của nước bên cạnh. Phát sinh dục vọng với một thánh nữ đồng trinh của tôn giáo mình.
Một ngày nọ, theo tính toán sâu xa, một loại tai nạn thiên nhiên khổng lồ, giống như trận lũ lụt Noah sẽ tới. Đất nước Arya của ông chọn ra một số người để đi lánh nạn, bao gồm nhiều thành phần của xã hội. Trong đó có vị thánh nữ Kris, nhưng không có ông. Vì ông này đã phạm điều cấm là học tà đạo. Vì dục vọng, ông này đã nghĩ cách và chiếm lấy cô gái kia, kết quả Arya bị xâm chiếm và giết chóc, trận đại hồng thủy nổi nên như dự báo. Tới đây kết thúc phần hai.
Phần ba, tác giả dựa vào các lý thuyết tôn giáo phương đông, bao gồm đạo Phật, Ấn độ giáo... và phương pháp Karma yoga để diễn giải nguồn gốc con người, sự vận động trong đời sống con người với mục tiêu hướng thiện. Luật Nhân quả và Luân hồi diễn ra trong vũ trụ, với quan điểm rõ ràng rằng ai làm gì đều có một hệ quả tương ứng. Tác giả cũng vận dụng một số lý thuyết khoa học thực hành để nói thêm và khẳng định góc nhìn của mình.
Phần bốn, nhân vật chính thông qua chiếc nhẫn được làm giống của Pharaoh mà nhớ về tiền kiếp.
Tại đây, ông là một hoàng tử bị lưu đày, nhờ được lực lượng giáo sĩ tín nhiệm, giúp đỡ, thành công đoạt được ngôi báu. Sau khi lên ngôi, ông đã ban hành nhiều luật lệ khắt khe, nâng cao sưu thuế, xây dựng nhiều điện thờ, đền đài để trả công giáo sĩ. Trong một lần vi hành, ông gặp một người y sĩ nghèo, than phiền về quyền lợi của giai cấp lãnh đạo và tầng lớp giáo sĩ, khiến dân nghèo nàn, chết nhiều vì xây lăng tẩm quá nhiều. Tại đây ông được nghe về phương pháp trị bệnh bằng tình yêu thương, một thứ mà ông thiếu thốn từ nhỏ bởi xuất thân của mình. Người y sĩ nghèo cùng cháu gái, hôn phu của cô ấy phàn nàn về việc Pharaoh đã tiêu tốn quá nhiều tài lực và cạn kiệt sức dân để xây nên điện thờ, lăng mộ cho ông và cả giới giáo sĩ nữa.
Nhân vật chính cũng bộc lộ một số suy nghĩ tiến bộ, về phương pháp thờ cúng thần thái dương suy cho cùng là vì lọi ích nhóm của giới giáo sĩ, thần thành thực sự nằm trong bản thân chứ không nằm trong buổi lễ cầu nguyện hay điện thờ.
Phần này tôi thấy cần phải nhận định rõ, nếu trải nghiệm về tiền kiếm này là có thật, thì những suy nghĩ được kể thông qua lời nói đó là của kiếp hiện tại, với những ý thức và năng lực của người hiện đại nhìn về quãng dài tiền kiếp ở quá khứ, chứ không phải đứng trên vị trí của một Pharaoh thời cổ đại khi tiếp xúc với dân chúng. Bởi lẽ, triết học và tôn giáo thời cổ đại, không thể xây dựng nên một con người có quyền lực tối cao về thần quyền và pháp quyền, lại có lòng cảm thông với sự thống khổ của dân chúng nghèo đói được. Nhất là tại Ai Cập cổ đại. Trải nghiệm vi hành này suy cho cùng, khó có thể diễn ra, mà nếu có thể diễn ra, cũng không thể nào thân thiện và có tình huống, một vị Pharaoh bị chính người dân của mình than phiền mà có thể bỏ qua, bình tĩnh như vậy được.
Phần năm, tác giả trải nghiệm tiếp tục làm Pharaoh của ông. Tại đây nhắc lại nhiều lần cái ý thức thần thành chính là tình yêu thương trong bản thể con người. Pharaoh này cũng bắt đầu chiến dịch thanh trừng nạn buôn thần bán thánh, lợi dụng tôn giáo làm lợi cho mình của giới giáo sĩ. Tuy nhiên, như đã nói ở phần trước, ông thất bại và cuối cùng không để lại thành tựu gì.
Điểm đáng chú ý ở phần này là đặt ra vấn đề các kim tự tháp không phải là lăng mộ mà là các đền thờ. Tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng về cách xây dựng kim tự tháp trong thời kỳ cổ đại, cho đến bài trí cũng như hình vẽ trong kim tự tháp không giống với thông lệ an táng tại Ai Cập cổ đại, nhất là không tồn tại “Tử thư”. Tác giả cũng viện dẫn một số kim tự tháp có lối kiến trúc tương tự ở châu Mỹ, nhận định rằng những công trình kiến trúc này cùng mục đích là hoạt động tâm linh, tôn giáo. Đây là điểm cung bắt nguồn từ chủng tộc Atlatis cổ đại, khi tránh đại hồng thủy đã mang tới các vùng lãnh thổ khác nhau và truyền lại. Tác giả cũng viện dẫn trình độ kỹ thuật của Atlantis chính là yếu tố giúp xây dựng các kim tự tháp.
Phần sáu tác giả không đưa ra một hồi tưởng cụ thể gì, chủ yếu đặt nghi vấn về lịch sử các nền văn minh đã xuất hiện.
Các nhà khoa học phương Tây cho rằng, nền văn minh cổ nhất xuât phát từ vùng Ai Cập, La Mã, thông qua các công trình mà người dân còn để lại. Tuy nhiên tác giả nhận định, không phải nền văn minh nào cũng chú trọng việc xây cất công trình tôn giáo mà có thể họ phát triển mặt tinh thần, tôn giáo. Có nghĩa là, có thể ở Ấn độ và Trung Hoa cổ đại có những nền văn minh xưa hơn, có những thành tựu vượt bậc về mặt tinh thần. Tác giả cũng kể một số viện dẫn mà khoa học hiện đại chưa chứng minh được, đặt ra đó chính là điểm nghi vấn cốt lỗi, là lỗ hổng về lịch sử văn minh thế giới trong tiến trình phát triển của loài người.
Tác giả cũng nói sơ qua về quá trình phát triển tôn giáo, rằng các giáo sĩ đã tự tha hóa, không chuyên tâm tu tập. Từ đó, những pháp môn mật truyền không còn lưu lại, thay vào đó là các loại tà thuật, bùa chú, đa thần với mục đích dọa nạt, điều khiển nhân tâm con người.
Chương này hoàn toàn là các giả thuyết, không có gì rõ ràng, chỉ đơn giản nhắc lại các điều nghi vấn trong khoa học khảo cổ, lịch sử và viện vào đó để chỉ ra điều tác giả muốn nói.
Phần bày, tác giả tiếp tục nói về quy luật nhân quả, luân hồi, nghiệp báo của cá nhân và của cả cộng đồng, quốc gia. Tác giả đưa ra chu trình mới về cuộc đời luân hồi của con người, các quốc gia, nền văn mình, thậm chí là các hành tinh, hệ vũ trụ. Theo đó, mỗi đối tượng đều trải qua 4 quá trình thành lập, xây dựng, suy yếu và diệt vong. Dẫn chứng lại các quốc gia thần thoại như Atlantis, cổ đại như Ai cập đến cận - hiện đại như Tây Ban Nha.
Việc khẳng định các cá thể con người, toàn thể nhân loại bao gồm các nền văn minh diễn tiến theo các chu kỳ lên xuống mà không phải theo sơ đồ tịnh tiến, giống như thuyết tiến hóa của Đác Uyn. Đưa ra lý thuyết cho rằng, các sự vật, sự việc phát triển lúc lên, lúc xuống, thăng trầm theo các chu kỳ khác nhau, thời gian các chu kỳ, một phần của chu kỳ phụ thuộc vào nghiệp quả của con người, quốc gia đó. Tác giả cũng cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật hiện đại chưa hẳn là bước tiến của nhân loại, mà đang đi đến những bước trong quá trình Hoại. Rằng con người đang phụ thuộc vào smart phone, các loại dịch bệnh diễn ra với những tác hại không thể lường. Điều này được củng cố trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
Phần đầu của chương tác giả cũng đề cập đến phương pháp thiền định, chỉ một chút. Nội dung cơ bản về các quá trình tập luyện môn yoga, lưu ý giai đoạn đầu tập luyện thì chịu đau đớn hay suy nghĩ viễn vông là bình thường, cần phải kiên trì mới thành công.
Một vài đoạn trích
-
Cậu có biết tại sao như thế không? Tại vì mỗi đứa chạy điều hành động tùy theo lối cư xử của cha mẹ hay xã hội dành cho chúng. Tùy theo việc đứa trẻ được cha mẹ dạy dỗ như thế nào, được yêu thương hay bị đánh đập mà cuộc đời đối với nó trở nên đáng ghét hay đáng sống. Khi mới được sinh ra, đứa trẻ nào cũng có khả năng yêu thương vì nó được sinh ra qua tình yêu thương của cha mẹ. Nếu nó được sống trong yêu thương, nó sẽ biết thương yêu. Trái lại, nếu không được thế thì khả năng thương yêu của nó sẽ mất đi vào đó chị biết sống một cách vô ý thức. Làm sao nó có thể tương lai được nếu như trước giờ nó chưa hề được ai thương? Làm sao nó có thể yêu ai được khi nó không hề được ai yêu? Làm sao nó có thể thông cảm với nỗi đau của người khác khi khả năng yêu thương đồng cảm của nó đã bị thui chột? Do đó, mối quan hệ giữa nó và những người chung quanh sẽ trở nên hời hợt, và bị giới hạn trong những điều rất nhỏ, không thể vươn tầm mắt ra xa hay bay bổng lên cao được. Đầu óc của những đứa trẻ này sẽ chị dễ dàng trong những mối lợi nhỏ nhen, những thú vui vật chất tầm thường, những tham lam ích kỷ chứ không thể nào làm việc lớn được.
-
Các chiến thuyền của họ đi đến đâu thì gieo rắc kinh hoàng và dịch bệnh đến đó. Hầu hết những người da đỏ ở châu Mỹ, khoảng 2/3 dân số, đều chết vì những dịch bệnh do người Tây ban Nha mang vào. Như thế nên Tây Ban Nha mới chinh phục được Châu Mỹ một cách dễ dàng. Họ thẳng tay tiêu diệt các nền văn minh cổ, thay đổi phong tục tập quán, ngôn ngữ, tôn giáo và đặt nền móng cai trị hết sức tàn bạo cho những thuộc địa của họ. Thế mà ngày nay nhiều sách lịch sử vẫn còn ca ngợi tinh thần khai phá, chinh phục và đồng hóa những dân tộc “man rợ, thiếu văn minh” này của Tây Ban Nha. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại những gì người Tây ban Nha đã làm được trong những thế kỷ trước và từ hạt nhân loại đã học được điều gì?
Nhận xét chung
Nhìn chung, cuốn sách cũng có những điểm mới đáng thú vị, việc đọc nó giống như luyện tập môn yoga, phải xem có phù hợp hay không. Có thể với trải nghiệm hiện tại của mình, cuốn sách này không phù hợp. Cuốn Hành trình về phương đông cũ của ông mình cũng thấy không phù hợp. Theo mình tìm hiểu, phần hai nội dung cũng không mới, chủ yếu vẫn kể lại, dùng lối dẫn chứng cũ để chứng minh. Bản thân mình thấy không phù hợp nên không có tiếp tục.
Nói về ưu điểm:
-
Tính mới, ưu điểm lớn nhất của cuốn sách này là tính mới. Bằng lối viết phóng tác theo những tưởng tượng, tác giả kể lại câu chuyện huyền bí, thần kỳ nhưng rất đỗi chân thật, mang đậm màu sắc tôn giáo phương đông. Tác giả cũng chỉ ra những nét đặc sắc vốn có của văn hóa, tôn giáo phương đông.
-
Tuy không phải sách self help, nhưng đây cũng xem như là một cuốn sách giúp người đọc có cách nhìn mới mẻ hơn, dịu dàng hơn với con người và tạo hóa xung quanh. Thông qua luật nhân quả, luân hồi là những điểm chính trong phật giáo, tác giả nói rằng, mọi lỗi lầm hay tai nạn của bản thân đều là nghiệp quả, cộng nghiệp trong quá khứ
Bên cạnh đó, cũng có những khuyết điểm, đó là:
-
Như đã đề cập ở trên, nhược điểm đầu tiên không thuộc về tác giả mà thuộc về nhà xuất bản. Muôn kiếp nhân sinh là một tập sách có nhiều cuốn. Vì vậy, tại cuốn đầu tiên cần giới thiệu rõ về tác giả, nhất là với lối viết phóng tác của tác giả. Nếu không có một cái nhìn tổng quan về cuộc đời, sự nghiệp của tác giả, người đọc khó lòng cảm khái được những điều mà tác giả cảm thấy.
-
Thứ hai, bố cục cuốn sách theo các chương thiên về các miền ký ức, theo dòng thời gian. Nhưng trong mỗi phần đều có những nội dung trùng nhau, không trọng tâm. Ví dụ như ở chương cuối nói về quy luật thành - trụ - hoại - diệt, tác giả lại không hề đi sâu vào quy luật này mà lại có một đoạn đầu nói về yoga. Tư tưởng luân hồi, nhân quả xuyên suốt nhưng không có nội dung mới, khá trùng lắp
-
Thứ ba, tác giả phê phán khoa học thực nghiệm. Cho rằng khoa học hiện đại chỉ đề cập đến các vấn đề mà có thể chứng minh được, có thể thấy được, cụ thể hóa thành công thức hay phương trình mà không đề cập đến phần tâm linh, bản chất sâu trong tâm hồn, linh hồn con người. Không giống như khoa học thực nghiệm, khi điều kiện giống nhau tuyệt đối thì các chất điểm là đối tượng nghiên cứu đều trải qua quá trình như nhau, tác giả cho rằng dù cho môi trường giống nhau thì mỗi một con người với linh hồn khác nhau sẽ cho ra trải nghiệm khác nhau. Điều này chắc chắn là không thể tái hiện. Nhưng tác giả dẫn chứng vô vàn các ví dụ, sự kiện lịch sử, phương trình khoa học, các câu nói trong sách của Plato để củng cố cho điều mình nói. Như vậy lại là dùng chính thực nghiệm để chứng minh ngược lại lý thuyết. Điều này mình nhận xét chủ quan là mang tính ngụy biện.