Skip to content

Cơ bản về Nguyễn Hồng Sơn

Nghề viết

Dạo gần đây, mình cứ quanh quẩn mãi cái suy nghĩ viết gì, viết như thế nào, viết ra làm sao cho hay. Một mặt, chắc mình viết "code" nhiều quá, nhưng mặt khác chắc là mình đọc nhiều thứ quá. Thành thử phải viết ra để quên đi cái đã đọc.

Mấy thứ mình đọc, chả phải sách hay truyện gì cả. Chủ yếu là tài liệu chuyên ngành mà tôi. Tài liệu triển khai phần mềm, đánh giá, hướng dẫn. Đủ thứ cả. Từ lúc đọc xong cuốn Giết con chim nhại xong, mình chưa bắt đầu bất cứ một quyển sách mới nào cả. Mình đọc mấy cái văn vở của người khác trên facebook mà thôi.

Có người em mình quen trên mạng, chưa gặp mặt trực tiếp bao giờ, chỉ nhắn tin qua qua vài câu thôi. Em đọc sách và viết rất nhiều. Mỗi lần em đăng bài, mình đều đọc qua, có bài thì đọc kỹ. Cảm tưởng số sách em đọc một tháng chắc bằng mình cả năm. Em viết về học sinh phổ thông nè, em viết về phụ nữ, về bình đẳng giới nè. Mình thấy em chia sẻ cái bài viết về khuyến đọc. Đại ý rằng làm khuyến đọc khó, nhưng đâu thể không làm đúng không.

Mình có kết bạn với một anh làm video hay lắm, tô màu những thước phim trắng đen cũ. Những thứ anh làm mình thấy hay và to lớn lắm, truyền cảm hứng rất nhiều. Có dạo anh đăng video về giáo sư Tôn Thất Tùng, một chuỗi luôn. Có cái video nội dung rất ấn tượng, đại ý cụ Tùng bảo những người thời cụ, cảm thấy thiếu một cái gì đó, cảm thấy mình không có tổ quốc, cảm thấy khó chịu. Nên khi gặp Bác, Cụ bỏ, bỏ hết, bỏ hết nhà cửa vàng bạc để theo. Mình thấy mắt Cụ sáng lên trong cái video cũ, nhưng mình cũng thấy ánh mắt của anh trai làm video sáng nữa. Anh làm, anh đăng youtube cho mọi người xem miễn phí, nhưng cũng lèo tèo lắm. Anh làm, anh đăng, nhiều kênh người ta không xin phép mang về đăng, còn xóa cả logo nữa. Vậy mà anh vẫn làm.

Nên, nhiều khi có vài chuyện, mình thấy làm nhiều chuyện chưa đâu vào đâu, mà nhiều người vẫn làm. Như mình ngoài viết code thì mình cũng viết văn vở dài ngoằng như này nữa. Không phải cao siêu gì, mà mình chỉ muốn viết ra cái suy nghĩ của mình. Xong ai cảm thấy quan trọng thì người ta xem, người ta thu thập. Biết đâu sau này, đoạn văn này lại được trích dẫn đâu đó thì sao. Không phải vì vậy, mà mình mới viết. Mình có xem và đọc được một bài, nói rằng người ta nên viết. Viết về thời đại của người ta, để sau này khi mà ai làm nghiên cứu gì đó, thì có cái mà tổng hợp. Tự chính mình viết nên thời đại mình, con người mình. Chứ mình có ngàn học trò như Khổng Tử hay Hegel đâu mà có người chép lại.

Phân vân giữa chuyện có nghĩa, và chuyện vô nghĩa nhưng phải làm thì mệt mỏi lắm. Kể cả khi làm chuyện có nghĩa, mà ta thấy mãi nó không có kết quả gì thì cũng phiền muộn lắm. Mình ngồi đọc hàng đống chữ mà chả hiểu gì, cũng chán lắm. Hay thôi bỏ đi nhỉ, làm đại khái thôi, chưa pass thì ta sửa test case cho pass, có khó gì đâu. Nhưng mà khi mình đọc, thấy có người như vậy, mình lại thêm cố gắng đọc và viết nhiều hơn nữa. MÌnh thấy mình phải viết, viết nhiều hơn nữa. Cứ viết cho lắm, cho nhiều, nếu không có ai đọc thì sau này mình đọc lại, mình thấy mình đã từng một thời như vậy, thì cũng hay.

Muốn viết nhiều, mình phải đọc nhiều. Làm sao mà viết liên tục nhiều bài mà không đọc được. Chữ đâu mà viết. Thế mà mình thấy vài anh chị làm tạp chí điện tử viết cụt lủn, nội dung không chính xác, đối tượng phản ánh sai, viết bài nhiều khi cho có KPI chứ không có nghiêm túc lắm, như có chị cộng tác viên chuyên đi copy bài từ facebook sang website, xong lại dẫn nguồn về facebook mà không sửa tí gì vậy, làm nhiều người hiểu sai đối tượng của bài viết đó. Mình có chị làm báo, cũng lâu rồi không gặp, mà lâu lâu chị hay nhắn mình để hỏi han, lấy ý để viết bài về vấn đề này, chuyện kia. Tức là chỉ cũng đi sát đối tượng bài viết của chỉ để phỏng vấn chứ không tự nghĩ ra mà lên báo.

Nghề viết, nhìn thì dễ mà thực khó vô cùng. Ở cái thời đại mà chả còn bao nhiêu người mù chữ, thậm chí có người nói viết thành thạo được mấy ngôn ngữ, thì tự nhiên cái việc viết nó trở nên thông dụng. Nhưng để viết hay, viết tốt đã khó, đằng này còn phải viết có ý nghĩa, có đóng góp, với trách nhiệm trĩu nặng trên vai còn khó vạn lần. Nghề gì mà chả cơm áo gạo tiền, nghề gì mà cả muốn có dăm ba đồng nuôi con.

Tuy vậy, nghề viết, đặc biệt là nghề báo, ảnh hưởng rất nhiều tới xã hội. Ngoài mang tính thông tin, nó còn định hình tư tưởng xã hội nữa. Viết hay thì là nhà báo, nhà văn, mà tệ thì chỉ có thể xem là bồi bút mà thôi. Tôi không phải nói rằng, văn chương phải theo kịp hơi thở thời cuộc như cụ Nam Cao. Nhưng những nội dung con chữ truyền tải phải mang ý nghĩa nhất định nào đó, và suy cho cùng thì nó phải tốt, làm cho con người tốt đẹp lên. Viết, phải đặt cái tâm thực sự vào đó. Dùng từ, câu cú sao cho chuẩn mà hay, theo cái cách mà người nếu không học viết thì không viết ra được. Dạo trước, tôi có nghe câu chuyện dịch tiêu đề phim, từ "Civil war" trong tiếng Anh, dịch thành "Ngày tàn của đế quốc" là sai về mặt ngữ nghĩa, nhưng lại đúng về mặt thương mại. TỨc là nếu dịch đúng, phim sẽ chẳng hấp dẫn mấy mà kéo người đi xem được. Trong giới hạn cho phép của từ ngữ, ta sửa nó đi đôi chút để đạt được mục đích thương mại, cũng là dễ hiểu.

Câu cú trong văn thì trau chuốt, từ ngữ thì phải đẹp, ngữ pháp đúng, chính tả chuẩn. Hợp lại cả mới trở nên áng văn hay. Tiếng Việt, mà nói ở đây là chữ quốc ngữ còn non trẻ, chỉ độ 100 năm. Số lượng từ đâu đó vài vạn, thì thực là còn chưa hoàn thiện để diễn tả hết cái ý của con người được. Càng là nhà văn, nhà thơ, người buôn chữ, thì càng phải ra sức sáng tạo, dùng đi dùng lại những từ hay, đẹp, tạo nên từ mới để làm giàu con chữ. Tôi thật là kỳ vọng sau này bản thân mình làm được, hoặc giúp sức ai đó có chuyên môn ngôn ngữ chuyển được hết các từ tiếng Anh trong ngành công nghệ sang tiếng Việt để tránh một văn bản nửa tây nửa ta. Kỳ thực, nhiều từ chỉ mang tính tạm dịch, có những từ không thể dịch vì khi dịch ra thì nó sai nghĩa hết cả.

Tôi đọc nhiều tiểu thuyết, tôi mê mẫn cái cách bố Atticus dạy con trong Giết con chim nhại, sống trong khát vọng của Pavel trong Thép đã tôi thế đấy, nhưng tôi cũng sống cùng D’Actanhang trong Ba người lính ngự lâm hay Dantès trong Bá tước Monte Cristo. Tôi hiểu tấm lòng Vũ Như Tô khi xây Cửu Trùng Đài nhưng cũng đồng thời hiểu cái đói rách trong thời đại của Nam Cao. Tôi mong mỏi, rèn giũa mãi để viết được hay như Lỗ Tấn nhưng không phải chỉ chờ tới lúc đó tôi mới viết. Tôi thấy mình cứ muốn viết, và viết. Thế thôi.

Tôi cũng hiểu, vài cái suy nghĩ của tôi chỉ là ếch thôi. Không ai hỏi thì bộ trưởng tự trả lời vậy. Mình không trong nghề viết, không kiếm tiền bằng con chữ, tự nhiên cái chữ của mình nó không sợ gì cả. Chứ mà ngồi viết ăn lương, chưa chắc mình đã nghĩ như vậy. Dẫu sao, người trong chăn mới biết chăn có rận, mong rằng cách anh chị thấy rận thì bắt bỏ đi.

Hướng dẫn đóng góp vào dự án public trên github

Trong quá trình sử dụng các open source trên github, có thể bạn gặp vấn đề và sau đó tìm được cách sửa lỗi. Bạn muốn đóng góp nó vào repository để sửa lỗi này cho tất cả mọi người. Hoặc dự án của bạn bao gồm nhiều người và repository cần để public để có thể sử dụng một số tính năng của github như protect branch, đây là hướng dẫn dành cho bạn.

Đầu tiên, đối với các dự án open source lớn, hầu như đều có một hướng dẫn để contribute vào repository (thông thường nằm ở thư mục mẹ và là file CONTRIBUTING.md). Hãy đọc kỹ nó. Thông thường nó bao gồm các unitest, các bước để review một thay đổi, hoặc quy chuẩn chung như đặt tên biến, đặt tên branch... mà bạn phải tuân theo.

Sau khi đã đọc kỹ, bắt đầu code thôi.

1. Fork và clone project

  • Tại repository, chọn fork

    fork-project - Chọn repository để fork (nếu không có hướng dẫn gì, hãy chọn master hoặc main), sau đó chọn Create fork

    create-fork - Sau khi fork được repository, clone repository về

    clone-forked

2. Thực hiện thay đổi và push

  • Sau khi clone project về, tiến hành checkout sang branch mới. Tên branch cần thể hiện sơ qua mục đích của thay đổi, hoặc tác dụng của nó

    git checkout -b add-proxy-for-build
    
    switch-branch

  • Thay đổi các dòng trong code

  • Push các thay đổi lên branch vừa tạo

    push-code

3. Tạo pull request để thay đổi repository gốc

  • Tại repository gốc (không phải repo bạn vừa fork về), tiến hành tạo pull request

    pull-request new-pull-request

  • Chọn compare across fork, sau đó chọn fork repo và branch của mình. Cuối cùng chọn Create pull request

    compare-across-fork - Tại giao diện pull request, giải thích rõ bạn làm gì, tại sao contribute này lại cần thiết. Điều này rất quan trọng để maintainers hiểu bạn thay đổi cái gì và từ đó có cơ sở để approve.

    description_pull_request

  • Cuối cùng, chờ thôi. Các pull request sẽ phải có người review và approve. Trong quá trình đó, một số repository có bot để build tự động. Nếu build thất bại, request của bạn cần được chỉnh sửa hoặc sẽ bị reject. Một số maintainers có thể sẽ đặt câu hỏi thêm để hiểu rõ chinh xác thay đổi của bạn là gì. Nhớ check thông báo để trả lời nhé

    waiting-for-approve

Giết con chim nhại

Chim nhại là một loài chim có khả năng bắt chước rất giống tiếng kêu của các loài khác. Chúng làm như vậy có lẽ để săn mồi hoặc lẩn trách kẻ thù. Chim nhại không bao giờ làm điều gì có hại, nó mang lại niềm vui bằng tiếng hót của chúng: "nó chẳng làm điều gì khác ngoài việc hót cho chúng ta nghe từ tận đáy tim của nó". Vì vậy giết con chim nhại là một tội ác. Giết một người da đen không có tội cũng là một tội ác, một tội ác ghê tởm nhất.

Chuyện kể theo góc nhìn tuổi thơ của Jean Louse Finch, hay tên ở nhà là Scout. Nhà cô tại một thị trấn lâu đời thuộc bang Alabama, một bang miền Nam nước Mỹ. Hơn nửa đầu là những câu chuyện vui chơi, phá làng phá xóm, nói xấu người này người kia, câu chuyện kì thị trong trường tiểu học, câu chuyện cách dạy học của cô giáo viên, và hơn cả ta cách dạy con của bố Atticus. Một người cha đơn thân không giàu có gì, nhưng dạy hai đứa con của mình rất tốt. Đến nỗi tôi ước gì sau này tôi có thể dạy con tôi như vậy. Nhà ông có một người giúp việc da đen. Ông coi người này như người thân của mình và bản thân cô cũng coi mình như vậy. Cô được quyền quát mắng và thậm chí đánh đòn cô, cậu chủ.

Atticus là một luật sư. Một ngày đẹp trời ông được phân công biện hộ cho Tom Robinson, một người đàn ông da đen bị buộc tội cưỡng hiếp (kết quả bất thành). Vào những năm 30 của thế kỷ trước - sau ít năm đại suy thoái bắt đầu - thì hiếp dâm là tử tội, nhất là một người da đen hiếp dâm phụ nữ da trắng. Atticus đà dành hết thời gian và sức lực của mình, bỏ qua những điều tiếng rằng tại sao ông luật sư da trắng lại biện hộ cho một người da đen, bỏ qua những dè bỉu của cộng đồng mà gia đình ông phải chịu, ông cũng bỏ qua việc ông được phân công biện hộ, hầu hết mọi người nghĩ ông chọn điều đó. Phiên tòa kết thúc, mọi người đều thấy cô gái nguyên đơn và cha cô ta nói dối. Án tử được quyết định sau khi bồi thẩm đoàn "họp lâu nhất từ trước tới giờ cho những trường hợp như vậy". Bồi thẩm đoàn đã cân nhắc công sức mà Atticus bỏ ra, chứ không hề cân nhắc Tom có tội hay không. Anh đã được định tội từ lúc bước vào phiên tòa, hay trước đó từ lúc anh sinh ra vậy. Như Tom đã nói, nếu ông đen thui như tôi thì ông cũng sợ mà bỏ chạy khỏi hiện trường thôi.

Tom chết! Anh bị bắn "nhiều hơn mức cần thiết" khi vượt ngục, trước phiên tòa phúc thẩm. Bob Ewell, cha cô gái nguyên đơn, âm mưu trả thù vì bị sỉ nhục rằng ông đã nói dối trên tòa, cuối cùng chết bởi con dao của mình trong lúc hành hung hai đứa trẻ. Cái chết của Bob không được điều tra và khám phá nhiều. Cảnh sát và người dân để ông ta chết như vậy.

Nhiều lúc sống trong hiện tại, ta quên mất rằng chỉ chưa đầy một trăm năm nước đây thôi, tại Mỹ, phụ nữ không được tham gia vào bồi thẩm đoàn và không được bỏ phiếu. Người da đen vẫn chết bởi chính phiên tòa công bằng do tội mà họ không làm. “Bên công tố đã không đưa ra được chút chứng cớ ý học nào có thể cho thấy rằng tội lỗi mà Tom Robinson bị cáo buộc đã từng xảy ra. Thay vào đó nó dựa vào lời khai của hai nhân chứng với chứng cứ không chỉ hết sức đáng nghi ngờ qua chất vấn, mà nó còn hoàn toàn mâu thuẫn với bị cáo. Bị cáo không có tội, nhưng ai đó trong phòng xử án này thì có.” Xã hội ngày nay đã khác, tốt đẹp và tiến bộ hơn. Nhưng phân biệt nam, nữ, chủng tộc, tôn giáo, giàu nghèo, giới tính, xu hướng vẫn còn đó. Chúng ta không bình đẳng theo cái nghĩa mọi người vẫn muốn hiểu "rằng một số người thì thông minh hơn một số người khác, một số người có cơ hội hơn bởi vì họ sinh ra với nó, một số đàn ông kiếm ra nhiều tiền hơn những người đàn ông khác – một số người sinh ra có tài năng vượt quá mức bình thường của hầu hết con người". Một số người sinh ra với những khác biệt và chúng ta không được phép, trong bất cứ tình huống nào, nhân danh bất cứ ai tuyên bố rằng họ có vấn đề về chính họ.

IKIGAI - Chất nhật trong từng khoảnh khắc

Cuốn sách mình mua trong một dịp tình cờ, đi vào nhà sách, lướt qua tay hàng chục cuốn và dừng lại, mở ra đọc lời giới thiệu và có đôi chút thích thú. Sách ngắn, khổ A5 chỉ chưa đầy 100 trang, đọc hết ngay được một lần và quả thực mình đã làm vậy, trước khi mang nó đi tặng. Vì suy cho cùng, mục đích cuốn sách mình mua về là vì vậy.

Sách in giấy dày, bìa dẹp, phông chữ rõ ràng, thuận mắt. Giá hơi mắc so với thời lượng của quyển sách, 74k.

Cuốn sách do một nhà báo tự do của BBC, người Mỹ gốc Nhật viết về chính thứ văn hóa của quê hương mình. Vì thời lượng ít ỏi, sự giới thiệu về tác giả nhìn chung sơ sài, bù lại sách kể theo ngôi thứ nhất, trong đó lồng ghép một số thông tin về người viết.

Tác giả giải thích IKIGAI là gì trong văn hóa Nhật. Rằng nó không phải là một mục tiêu, lý tưởng của cuộc đời. Mà đơn giản là điều hạnh phúc trong cuộc sống thường ngày, là công việc, sở thích, đam mê, nói như tác giả đề cập là “điều khiến ta thức dậy mỗi sáng”. Tác giả nói về sự lầm tưởng vùng giao của 4 vòng tròn huyền thoại thể hiện 4 khía cạnh trong công việc, rằng đó chính là ikigai. Ikigai không lớn lao, cũng không phiến diện như nhiều người lầm tưởng.

Tác giả cũng tổng kết và đưa ra vài định nghĩa, đặc điểm chung của ikigai. Rằng cho dù ikigai của mỗi người là khác nhau, là những cái riêng trong xã hội này, thì suy cho cùng, nó không thoát khỏi cái chung, thông qua những cái riêng đó mà biểu hiện mình. Ikigai của họ nghiêng về một bên trong một vài phạm trù: cuộc sống thường nhật > cuộc đời; cho đi > nhận lại; thay đổi > cố định; tình cảm > lý trí; cụ thể > trừu tượng; chủ động > thụ động.

Cuối cuốn sách, tác giả phỏng vấn một số nhân vật thực tế. Tại đây họ đưa ra nhiều khoảnh khắc ikigai của họ, rằng nếu ta không thể tìm thấy nó, thì thôi không nên chủ động tìm kiếm. Ta cứ hãy cứ sống trọn từng phút giây và một ngày nào đó, một khoảnh khắc tuyệt vời nào đó trong cuộc sống sẽ làm ta nhận ra, cái gì thực sự là ikigai của mình.

Và rồi, cuối cuốn sách, nếu bạn chưa thực sự tìm được ikigai của mình, tác giả đưa ra một vài câu hỏi để bạn tự hỏi mình. Và biết đâu đó, bạn sẽ tìm ra ikigai của mình.

Với thời lượng ngắn chỉ khoảng 30 phút độc, nội dung cuốn sách truyền đạt khá trọn vẹn và có ý nghĩa. Ngoài giá sách đắt, mình cho rằng có một nhược điểm nữa. Cuốn sách đưa ra nhiều số liệu khảo sát, nghiên cứu, bài giảng, bài nói chuyện của nhiều vị giáo sư, học giả, nhưng lại không có một ghi chú cụ thể nào về nguồn, phương pháp tìm kiếm những tư liệu này để độc giả tham khảo và tra cứu.

Sông có nhiều nguồn

Hoạt động con người là có ý thức. Nghĩa là mỗi một người, dù trưởng thành hay không, bình thường về mặt tâm thần học tự nhiên có ý thức cho chính hành động của họ. Đây là một tiền đề được xác định và thường, là nền tảng cho nhiều suy luận khác. Một người bình thường, khi giết người hẳn biết hành động của họ là tội lỗi. Vì vậy họ phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, nơi mà trước đó đã quy định rằng một người bình thường, phải biết được giết người là hành động cấm, và nhận thức sâu sắc được sự trừng phạt nào sẽ dẫn tới. Đó chỉ là một trong vô vàn tín điều, đã được phát triển và duy trì để duy trì sự phát triển của chính nhân loại, mà theo như Harari nói, hoặc bất kỳ ai mà ông đã trích dẫn, rằng sự phát triển của loài người, chính nhờ sự cộng tác của nhiều cá thể.

Ta ít thắc mắc về những tín điều đã được hình hành và giữ gìn. Ở khía cạnh khác, ta ít khi đủ sức để thay đổi một thứ gì đó ở ngoài xã hội. Các hoạt động thay đổi chính chúng ta còn khó khăn, trải qua nhiều đấu tranh và suy nghĩ, để quyết định rằng chính ta cần thay đổi. Đó cũng chỉ mới là bước đi đầu tiên, ta còn phải tự thay đổi, bỏ cuộc, tiếp tục, hoài nghi, thay đổi đích, thay đổi phương pháp thực hiện, thay đổi cách thức đánh giá... để điều chỉnh một tín điều nhỏ mà ta đã áp dụng cho mình.

Xã hội, hay lịch trình sự sống, cả về thể xác lẫn tâm thần, đặc biệt hơn cả gen đến nỗi, mỗi một người tự nhiên họ có trải nghiệm khác nhau. Nghĩa là, dù có là anh em sinh đôi với mã ADN gần giống hệt, thì hai cá thể đó khác nhau hoàn toàn. Sự sống sinh học, trải nghiệm tâm linh, kết nối, giao tiếp xã hội... đưa nhiều tín điều vào cơ thể ta, và có lẽ, gây ra phản ứng trong ta khiến ta sinh ra những tín điều cho riêng mình.

Dù chiến lược gia tài ba nào, trong thời đại này cũng khó có thể xây dựng được một trải nghiệm theo ý của họ. Tự nhiên trong đời họ xảy ra nhiều chuyện, tạo ra nhiều dòng tư duy khác nhau. Trong cùng cấu trúc não, những dòng điện sinh học có thể được bắt được bằng các thiết bị tối tân, vốn là một hạt cát trong sa mạc nhận thức của con người, cũng đã phản ánh những nội dung khác nhu trong suy nghĩ vậy.

Những trải nghiệm, hoặc làm chấn thương, hoặc tạo mới dòng suy nghĩ, hoặc tái tạo lại, hoăc tốt, hoặc xấu, hoặc cả hai ảnh hưởng lớn đến tư duy của cá thể. Con người, dù chủ quan bởi chính sự trải nghiệm nhưng đồng thời tự họ cũng phản ánh cái khách quan vốn có của những gì họ đã trải qua. Những điều này, làm suy nghĩ phức tạp và khó đoán, kể cả với chính họ.