Những đòn tâm lý thuyết phục
Cuốn sách là một công trình nghiên cứu của Giáo sư danh dự tại Đại học Bang Arizona, Robert Beno Cialdini. Ông là một nhà tâm lý học. Cuốn sách nhìn chung, là một công trình nghiên cứu tâm lý học đám đông. Thông qua những trích xuất từ các nghiên cứu khác, cũng như các công trình thực nghiệm, ông chỉ ra 6 (sáu) yếu tố ảnh hưởng đến việc ra quyết định của một người.
Đọc cuốn sách, ta dễ liên hệ tới bản thân, đồng thời suy nghĩ về việc mình đã, đang, và sẽ hành xử như thế nào khi gặp tình huống ví dụ. Cả cuộc đời bỗng dưng xuyên qua ta trong phút chốc, ta ngộ ra một vài lần ta bị đa cấp lừa (mà ta đã tránh được, hoặc bị lừa), ta bị thao túng bởi người yêu cũ, vợ cũ, bạn cũ, hay những người làm công việc bán hàng. Ta thấy những nguyên tắc đưa ra là thực tồn, thực hữu. Ta mong ta không tiếp tục vướng phải cái móc câu nữa.
Nhưng đồng thời, tác giả cũng chỉ ra rằng, những nguyên tắc ấy rõ ràng tốt cho chúng ta, tốt cho xã hội con người. Cho và nhận lại, giữ chữ tín, bằng chứng xã hội, thiện cảm, quyền uy hay khan hiếm, đều là những yếu tố giúp ta ít tốn công sức suy nghĩ cho những quyết định giản đơn. Cái xấu là có người đã nhận ra, và áp dụng nó nhằm thao túng người khác nhằm đạt mục đích không trong sáng. Nhận diện và gọi tên nó, giúp ta bình tĩnh và không đi quá xa trong những quyết định quan trọng.
Phần cuối, tác giả đã đưa ra một quan điểm mình rất đồng tình. Đó là tính ngắn hạn của thông tin trong thời đại mới này. Cuộc sống chúng ta hằng ngày sản sinh ra vô số dữ liệu. Chỉ trong vài chục năm qua, ta đã sống nhanh hơn rất nhiều. Ta vội vã thức dậy, tập thể dục, đi làm, phát triển bản thân, kiếm tiền, lập gia đình, nghỉ dưỡng... Tất cả như guồng quay của chi tiết máy, mà nếu không được lập trình sẵn nhờ các yếu tố suy nghĩ giản đơn, ta dễ quá tải với số lượng dữ liệu lớn mà ta tiếp nhận. Giống như Harari đã nói, trong vòng chưa đầy 200 năm, con người đã phát triển quá nhanh, bộ gen chúng ta vẫn chưa thích nghi kịp. Vậy nên thiết lập những quy tắc máy móc giúp ra quyết định nhanh khiến chúng ta dễ thở hơn trong sự dồn dập của cuộc sống, của dữ liệu. Việc gọi nó là vũ khí, dù dưới dấu nháy mình cho là còn nặng nề thái quá.
Hãy đọc sách và cảm nhận.