Skip to content

Nhật ký Anne Frank

Quote

Bài viết cuối cùng trong nhật ký của Anne đề ngày 1 tháng Tám năm 1944. Vào ngày 4 tháng Tám năm 1944, tám người ẩn náu trong Nhà phụ Bí mật đã bị bắt. Miep Gies và Bep Voskuijil, hai cô thư ký làm việc trong tòa nhà, tìm thấy những cuốn nhật ký của Anne vứt tung tóe trên bàn làm việc. Sau chiến tranh, khi đã có xác nhận rõ ràng là Anne đã chết, cô đưa những cuốn nhật ký mà cô chưa hề đọc cho cha của Anne ông Otto Frank.

Quote

Anne Frank, khi bắt đầu viết nhật ký mới mười ba tuổi, và mười lăm khi buộc phải dừng viết, đã viết không chút e dè về những gì mình thích hay không thích.

Anne là một cô gái, hay nói đúng hơn là một em gái nhỏ người Do Thái. Do bị truy lùng gắt gao, cô cùng gia đình và một số người khác đã di chuyển tới Hà Lan và ẩn náu tại đó khoảng từ giữa nă 1942 đến khi bị bắt.

Anne là một người bình thường theo cách không thể bình thường hơn. Toàn bộ cuốn nhật ký, giống như lời giới thiệu, là lời của cô nói về những gì cô thích hay ghét. Một cô gái tuổi mới lớn biết bao hoài bão, yêu thích đọc sách, học hành lại bị o bé trong căn phỏng nhỏ, đã có nhiều nỗi lòng không thể giải tỏa và mang nó vào cuốn nhật ký. Anne thậm chí đã viết thư trách móc cha mình vì ông khuyên cô không nên quá gần gũi với Peter (một người con trai trạc tuổi cùng ấn náu tại nhà phụ).

Quá nửa đầu cuốn nhật ký, là những dòng than vãn dài đằng đẵng, kể về sự khó khăn khi phải tự giải quyết những mâu thuẫn của bản thân, sự hời hợt của người mẹ, mâu thuẫn và mô tả về tính cách của những người trong Nhà phụ, việc miếng cơm manh áo trong thời chiến... Khó mà tưởng tượng nổi những khó khăn mà Anne phải tự đối mặt, khó có thể hiểu nổi khao khát nhìn bầu trời đêm nếu chúng ta không từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Nghĩ về thời sống cách ly do dịch bệnh, tôi cảm thấy mình như trải qua những gì Nelson Mandela đã nói: "Những ngày trong tù, Nhật ký của Anne Frank đã khích lệ tôi rất nhiều."

Nửa sau, Anne thực sự đã trưởng thành. Những câu chuyện mặc dù vẫn còn trẻ con, than vãn nhưng đã phảng phất và sau đó, dành hẳn mấy trang để thấu hiểu cho những con người đáng thương trong Nhà phụ. Quả thực Anne đã trưởng thành trong chính hoàn cảnh khó khăn đó, như bông hoa nở giữa vách đá vậy. Mối tình con con với Peter cũng đã giúp đỡ cô rất nhiều. Anne cảm thấy mình bị phân rã thành hai con người, mỗi mặt thể hiện một trạng thái khác nhau. Cô khóc vì cô đôi khi không phải là chính mình như cô muốn

Mặc dù đầy sự than thở, nhưng Anne chưa bao giờ mất niềm tin về cuộc sống của mình. Cô tự tin bản thân mình độc lập, tin về thời đại mới của phụ nữ, tin rồi một ngày quân Đức sẽ bị đánh bại, tin vào Thiên chúa. Cô tin vào sứ mệnh của người phụ nữ, tư tưởng vượt thời đại về vấn đề sinh con. Cô tin rằng phụ nữ thật cao cả khi không than vãn hay nô nức tự hào khi đảm nhận vai trò duy trì thế hệ kế tiếp. Nhưng như cô đã nói, tự nhiên hay chính Thiên chúa đã trao cho phụ nữ năng lực đó, cô không bảo phụ nữ thôi sinh nở, nhưng cô sẽ chiến đấu và mong rằng tư tưởng của xã hội sẽ thay đổi, công nhận vinh quang bình thường này của phụ nữ. Phụ nữ phải được tôn trọng.

nhat-ky-anne-frank

Thậm chí cô hiểu câu chuyện, rằng người Anh, Mỹ không tự nhiên tổ chức "D Day" khi họ không chắc thắng. Cô phê bình những người dân Hà Lan không biết tự đấu tranh cho chính dân tộc mình (Hà Lan lúc này đã bị Đức chiếm đóng, chính phủ Hà Lan lưu vong ở Anh), chỉ trông chờ vào sự cứu rỗi ở bên ngoài.

Quote

Cố thủ trong pháo đài Nhà phụ Bí mật, chúng tớ khó lòng đoán biết được tâm trạng của người dân Hà Lan lúc này. Chắc chắn là nhiều người vui mừng vì những người Anh lười biếng [!] cuối cùng đã xắn ống tay áo lên mà bắt tay vào làm việc. Những người luôn miệng kêu rằng họ không muốn bị quân Anh chiếm đóng không nhận ra rằng họ đang bất công đến mức nào. Lập luận của họ chung quy lại thì là thế này: nước Anh phải tham chiến và hy sinh những người con của họ để giải phóng Hà Lan và những nước bị xâm lược khác. Sau đó quân Anh không được ở lại Hà Lan nữa: họ nên khúm núm xin lỗi tất cả các nước bị xâm lược, trả lại xứ Đông Ấn Hà Lan cho chủ sở hữu chính đáng rồi quay trở về Anh trong hoàn cảnh suy yếu và kiệt quệ. Đúng là một lũ ngốc. Thế nhưng, như tớ đã từng nói, nhiều người Hà Lan có tư tưởng như vậy. Hà Lan và các nước lân cận sẽ ra sao nếu như trước kia Anh ký hiệp ước hòa bình với Đức, vì nó có quá nhiều cơ hội để làm vậy? Hà Lan sẽ trở thành một phần của Đức, và thế là hết!

Xuyên suốt những dòng nhật ký, ta thấy một cô bé trưởng thành qua từng trang sách, nói những vấn đề triết lý nhân sinh thú vị, kể về những mâu thuẫn mà một gia đình, nếu trong hoàn cảnh phải sống bí mật trong không gian chật hẹp như vậy chắc chắn sẽ mắc phải.

Tự do, hay hòa bình là vô giá. Anne trong sách chỉ ao ước được thấy bầu trời đêm, được hòa mình trong thiên nhiên nhưng cuối cùng không được trọn vẹn. Cô đã chết trong những chuyến vận chuyển tù nhân giữa các trại tập trung. Hãy sống đời tự do trong hòa bình của đất nước và tận hưởng khí trời tới tận ngày nhắm mắt xuôi tay, như vậy thì cuộc đời ta cũng đã trọn vẹn, dù cho đôi điều mộng tưởng còn giang dở.