Skip to content

Nghề viết

Dạo gần đây, mình cứ quanh quẩn mãi cái suy nghĩ viết gì, viết như thế nào, viết ra làm sao cho hay. Một mặt, chắc mình viết "code" nhiều quá, nhưng mặt khác chắc là mình đọc nhiều thứ quá. Thành thử phải viết ra để quên đi cái đã đọc.

Mấy thứ mình đọc, chả phải sách hay truyện gì cả. Chủ yếu là tài liệu chuyên ngành mà tôi. Tài liệu triển khai phần mềm, đánh giá, hướng dẫn. Đủ thứ cả. Từ lúc đọc xong cuốn Giết con chim nhại xong, mình chưa bắt đầu bất cứ một quyển sách mới nào cả. Mình đọc mấy cái văn vở của người khác trên facebook mà thôi.

Có người em mình quen trên mạng, chưa gặp mặt trực tiếp bao giờ, chỉ nhắn tin qua qua vài câu thôi. Em đọc sách và viết rất nhiều. Mỗi lần em đăng bài, mình đều đọc qua, có bài thì đọc kỹ. Cảm tưởng số sách em đọc một tháng chắc bằng mình cả năm. Em viết về học sinh phổ thông nè, em viết về phụ nữ, về bình đẳng giới nè. Mình thấy em chia sẻ cái bài viết về khuyến đọc. Đại ý rằng làm khuyến đọc khó, nhưng đâu thể không làm đúng không.

Mình có kết bạn với một anh làm video hay lắm, tô màu những thước phim trắng đen cũ. Những thứ anh làm mình thấy hay và to lớn lắm, truyền cảm hứng rất nhiều. Có dạo anh đăng video về giáo sư Tôn Thất Tùng, một chuỗi luôn. Có cái video nội dung rất ấn tượng, đại ý cụ Tùng bảo những người thời cụ, cảm thấy thiếu một cái gì đó, cảm thấy mình không có tổ quốc, cảm thấy khó chịu. Nên khi gặp Bác, Cụ bỏ, bỏ hết, bỏ hết nhà cửa vàng bạc để theo. Mình thấy mắt Cụ sáng lên trong cái video cũ, nhưng mình cũng thấy ánh mắt của anh trai làm video sáng nữa. Anh làm, anh đăng youtube cho mọi người xem miễn phí, nhưng cũng lèo tèo lắm. Anh làm, anh đăng, nhiều kênh người ta không xin phép mang về đăng, còn xóa cả logo nữa. Vậy mà anh vẫn làm.

Nên, nhiều khi có vài chuyện, mình thấy làm nhiều chuyện chưa đâu vào đâu, mà nhiều người vẫn làm. Như mình ngoài viết code thì mình cũng viết văn vở dài ngoằng như này nữa. Không phải cao siêu gì, mà mình chỉ muốn viết ra cái suy nghĩ của mình. Xong ai cảm thấy quan trọng thì người ta xem, người ta thu thập. Biết đâu sau này, đoạn văn này lại được trích dẫn đâu đó thì sao. Không phải vì vậy, mà mình mới viết. Mình có xem và đọc được một bài, nói rằng người ta nên viết. Viết về thời đại của người ta, để sau này khi mà ai làm nghiên cứu gì đó, thì có cái mà tổng hợp. Tự chính mình viết nên thời đại mình, con người mình. Chứ mình có ngàn học trò như Khổng Tử hay Hegel đâu mà có người chép lại.

Phân vân giữa chuyện có nghĩa, và chuyện vô nghĩa nhưng phải làm thì mệt mỏi lắm. Kể cả khi làm chuyện có nghĩa, mà ta thấy mãi nó không có kết quả gì thì cũng phiền muộn lắm. Mình ngồi đọc hàng đống chữ mà chả hiểu gì, cũng chán lắm. Hay thôi bỏ đi nhỉ, làm đại khái thôi, chưa pass thì ta sửa test case cho pass, có khó gì đâu. Nhưng mà khi mình đọc, thấy có người như vậy, mình lại thêm cố gắng đọc và viết nhiều hơn nữa. MÌnh thấy mình phải viết, viết nhiều hơn nữa. Cứ viết cho lắm, cho nhiều, nếu không có ai đọc thì sau này mình đọc lại, mình thấy mình đã từng một thời như vậy, thì cũng hay.

Muốn viết nhiều, mình phải đọc nhiều. Làm sao mà viết liên tục nhiều bài mà không đọc được. Chữ đâu mà viết. Thế mà mình thấy vài anh chị làm tạp chí điện tử viết cụt lủn, nội dung không chính xác, đối tượng phản ánh sai, viết bài nhiều khi cho có KPI chứ không có nghiêm túc lắm, như có chị cộng tác viên chuyên đi copy bài từ facebook sang website, xong lại dẫn nguồn về facebook mà không sửa tí gì vậy, làm nhiều người hiểu sai đối tượng của bài viết đó. Mình có chị làm báo, cũng lâu rồi không gặp, mà lâu lâu chị hay nhắn mình để hỏi han, lấy ý để viết bài về vấn đề này, chuyện kia. Tức là chỉ cũng đi sát đối tượng bài viết của chỉ để phỏng vấn chứ không tự nghĩ ra mà lên báo.

Nghề viết, nhìn thì dễ mà thực khó vô cùng. Ở cái thời đại mà chả còn bao nhiêu người mù chữ, thậm chí có người nói viết thành thạo được mấy ngôn ngữ, thì tự nhiên cái việc viết nó trở nên thông dụng. Nhưng để viết hay, viết tốt đã khó, đằng này còn phải viết có ý nghĩa, có đóng góp, với trách nhiệm trĩu nặng trên vai còn khó vạn lần. Nghề gì mà chả cơm áo gạo tiền, nghề gì mà cả muốn có dăm ba đồng nuôi con.

Tuy vậy, nghề viết, đặc biệt là nghề báo, ảnh hưởng rất nhiều tới xã hội. Ngoài mang tính thông tin, nó còn định hình tư tưởng xã hội nữa. Viết hay thì là nhà báo, nhà văn, mà tệ thì chỉ có thể xem là bồi bút mà thôi. Tôi không phải nói rằng, văn chương phải theo kịp hơi thở thời cuộc như cụ Nam Cao. Nhưng những nội dung con chữ truyền tải phải mang ý nghĩa nhất định nào đó, và suy cho cùng thì nó phải tốt, làm cho con người tốt đẹp lên. Viết, phải đặt cái tâm thực sự vào đó. Dùng từ, câu cú sao cho chuẩn mà hay, theo cái cách mà người nếu không học viết thì không viết ra được. Dạo trước, tôi có nghe câu chuyện dịch tiêu đề phim, từ "Civil war" trong tiếng Anh, dịch thành "Ngày tàn của đế quốc" là sai về mặt ngữ nghĩa, nhưng lại đúng về mặt thương mại. TỨc là nếu dịch đúng, phim sẽ chẳng hấp dẫn mấy mà kéo người đi xem được. Trong giới hạn cho phép của từ ngữ, ta sửa nó đi đôi chút để đạt được mục đích thương mại, cũng là dễ hiểu.

Câu cú trong văn thì trau chuốt, từ ngữ thì phải đẹp, ngữ pháp đúng, chính tả chuẩn. Hợp lại cả mới trở nên áng văn hay. Tiếng Việt, mà nói ở đây là chữ quốc ngữ còn non trẻ, chỉ độ 100 năm. Số lượng từ đâu đó vài vạn, thì thực là còn chưa hoàn thiện để diễn tả hết cái ý của con người được. Càng là nhà văn, nhà thơ, người buôn chữ, thì càng phải ra sức sáng tạo, dùng đi dùng lại những từ hay, đẹp, tạo nên từ mới để làm giàu con chữ. Tôi thật là kỳ vọng sau này bản thân mình làm được, hoặc giúp sức ai đó có chuyên môn ngôn ngữ chuyển được hết các từ tiếng Anh trong ngành công nghệ sang tiếng Việt để tránh một văn bản nửa tây nửa ta. Kỳ thực, nhiều từ chỉ mang tính tạm dịch, có những từ không thể dịch vì khi dịch ra thì nó sai nghĩa hết cả.

Tôi đọc nhiều tiểu thuyết, tôi mê mẫn cái cách bố Atticus dạy con trong Giết con chim nhại, sống trong khát vọng của Pavel trong Thép đã tôi thế đấy, nhưng tôi cũng sống cùng D’Actanhang trong Ba người lính ngự lâm hay Dantès trong Bá tước Monte Cristo. Tôi hiểu tấm lòng Vũ Như Tô khi xây Cửu Trùng Đài nhưng cũng đồng thời hiểu cái đói rách trong thời đại của Nam Cao. Tôi mong mỏi, rèn giũa mãi để viết được hay như Lỗ Tấn nhưng không phải chỉ chờ tới lúc đó tôi mới viết. Tôi thấy mình cứ muốn viết, và viết. Thế thôi.

Tôi cũng hiểu, vài cái suy nghĩ của tôi chỉ là ếch thôi. Không ai hỏi thì bộ trưởng tự trả lời vậy. Mình không trong nghề viết, không kiếm tiền bằng con chữ, tự nhiên cái chữ của mình nó không sợ gì cả. Chứ mà ngồi viết ăn lương, chưa chắc mình đã nghĩ như vậy. Dẫu sao, người trong chăn mới biết chăn có rận, mong rằng cách anh chị thấy rận thì bắt bỏ đi.