Homo Deus
Đây là cuốn sách thứ hai với cùng chủ đề, tiếp nối cuốn Sapiens đã quá nổi tiếng của Harari. Có lẽ với cái bóng quá lớn đó, cuốn thứ hai này không nổi trội lắm.
Và sau khi đọc thì mình cũng hiểu một phần lý do, không phải vì nó không hay, mà cảm tưởng như nó hơi...dài. Harari dành ra nửa cuốn để nói lại những điều đã nói trong Sapiens. Nhưng bởi nó tóm gọn, thành thử nội dung nếu chỉ đọc mỗi cuốn này thì có thể coi là thú vị, nhưng nếu đã đọc Sapiens thì thấy có phần nhát gừng.
Mặc dù vậy, phần đầu Harari trình bày một ý kiến mà mình vô cùng tâm đắc, xin trích trong hình dưới. Nhiều người cứ mãi thắc mắc học lịch sử để làm gì, trong đó có mình, thì có thể sau khi đọc những dòng này có suy nghĩ khác. Không phải trước đó mình không thích, không tìm hiểu, không quan tâm rồi nay thích, tìm hiểu, quan tâm tới những câu chuyện trong quá khứ. Mà là trước nay ta có thích, có tìm hiểu, rất quan tâm nhưng ta không giải thích được cái sự hiếu kỳ đó.
Lướt qua những trang sử dài về nhân loại, tôn giáo, chính trị, nhà nước, công ty... mà Harari đã nói rất kỹ ở Sapiens, Homo Deus đề cập tới những góc nhìn mới về tương lai trong vài ba thập kỷ tới, xa hơn chút là thế kỷ tới.
Con người hiện đại chúng ta, từ động cơ hơi nước tới nay chỉ mấy trăm năm, so với lịch sử cả vạn năm của loài người và nhiều hơn nữa thời gian của trái đất, thì chỉ như hạt cát trên sa mạc. Liệu chính chúng ta có tiến hóa thêm như Darwin đã phát biểu không? Nó sẽ diễn ra tự nhiên theo thuyết tiến hóa hay chính chúng ta tự ghép mô, chip, cơ giới hóa bản thân để tăng sức mạnh, và có khả năng nào, chúng ta nghiên cứu ra thuốc bất tử và trở thành Chúa hay Allah trong kinh thánh hay không? Chúa hứa rằng sẽ đưa ta về vườn địa đàng vào kiếp sau, còn các nhà khoa học tương lai mở ra thiên đường ngay trong kiếp này và chính tại nơi chúng ta ở. Cách mạng ở những thập kỷ tới là cách mạng "nâng cấp" thay vì "khắc phục".
Harari cũng nhắc tới một vài nghiên cứu tâm lý tại Harvard thường chỉ lấy mẫu nghiên cứu trong vài chục ngàn người là sinh viên tâm lý tại đó, mà bỏ qua mẫu lớn ở Á, Phi, rồi lấy đó kết luận phổ tâm lý con người có chuẩn xác hay không. Việc coi tâm lý con người, suy cho cùng, là những phản ứng sinh hóa tế bào, hoàn toàn có thể tái hiện bằng thuật toán thông qua một vài, hay dù vài ngàn thí nghiệm thì có thực sự phổ quát.
Dữ liệu lớn đã phát triển mạnh mẽ và tự thân nó dần trở thành "tôn giáo dữ liệu". Người ta làm gì cũng yêu cầu dữ liệu chứng minh, và từ dữ liệu, Google hay Facebook biết tôi thích gì hơn cả chính tôi nữa. Liệu rằng, trong tương lai, chúng ta sẽ thờ Thần dữ liệu thay vì Đấng sáng tạo. Liệu, một mô hình nhà nước tương lai đang hình thành tại Trung Quốc bởi chính sách dữ liệu của họ thay vì sự tôn sùng quyền cá nhân tại Mỹ và phương Tây. Vậy là, tới năm 2050, không phải mỗi công dân đều được bầu cử và ứng cử, mà chỉ có những công dân có điểm "tín dụng xã hội" cao hơn 50 (hoặc xếp loại B chả hạn) mới được bỏ phiếu. Liệu rằng xã hội kiểu mẫu sẽ như Tập Chủ tịch nói, nơi mà "người giữ chữ tín luôn làm được mọi việc một cách thuận lợi và an toàn, còn những kẻ bất tín sẽ không thể di chuyển được dù chỉ một bước".