Skip to content

Gia đình, bạn bè và đất nước

Gia đình, bạn bè và đất nước là cuốn hồi ký của cụ Nguyễn Thị Bình. Trước đây đã xuất bản một lần vào năm 2012. Băm 2025, nhân dịp 50 năm Giải phóng Miền Nam, Thống nhất Đất nước, cuốn sách được tái xuất bản. Tái xuất bản ở đây, là do cụ Bình đã bổ sung, sửa đổi một phần so với bản trước. Bản thân mình khi đọc vào cuối tháng 4, đã may mắn cầm trên tay một lúc hai bản cả cũ và mới, vừa đọc vừa đối chiếu.

gia-dinh-ban-be-va-dat-nuoc

Bản 2012 được xuất bản bởi Tri Thức, phần mở đầu có lời giới thiệu của nhà văn Nguyên Ngọc. Bản 2025 được xuất bản bởi Sự Thật, chỉnh sửa, bổ sung, lược bỏ, thay đổi một số phần so với bản 2012. Ví dụ như: sửa đổi làm rõ các cụm từ Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam thành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam; sửa đổi tiêu đề một số chương; bổ sung xác minh về việc kết án nhẹ do có luật sư quen biết với cụ Phan Châu Trinh; bỏ đi phần bình luận về KhrushChev; bổ sung nội dung về sự việc Trung Quốc chiếm đóng Hoàng Sa; bổ sung chi tiết về người con nuôi Rennie Davis; rút ngắn một số phần nói về hoà hợp dân tộc, phần nói tới bài hát "Gia tài của mẹ" của Trịnh Công Sơn.

Phần mở đầu, như tôi đã từng đề cập tới trong bài viết trước đây, mô tả về Quê hương và thời niên thiếu. Qua những dòng mô tả hết sức mộc mạc, tôi vẫn hình dung rõ vùng đất Quảng Nam quê cụ. Trước cách mạng tháng 8, cụ Bình sống ở Campuchia cùng với gia đình. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, cụ và gia đình về nước, mỗi người một việc trong tham gia cách mạng. Cụ có mối tình đầu, sau cũng là chồng cụ là lính công binh. Cuối chương, bản mới đã lược đi phần kể chi tiết về các em. Đây cũng điểm khác biệt so với lần xuất bản trước. Bản trước có nhiều nội dung, tranh ảnh về gia đình riêng của cụ. Bản mới này, hầu hết chi tiết về gia đình đã được bỏ, chỉ đề cập hết sức đại khái. Các tranh ảnh in trong sách hầu hết là quá trình công tác, ít tranh ảnh về gia đình và đời sống riêng. Có vẻ như, phần "gia đình" trong hồi ký đã giảm bớt.

Phần này, tôi đặc biệt nhớ tới chi tiết cụ Bình thuở đầu tham gia công tác quần chúng, sinh sống với môt gia đình nông dân. Ở đây, cụ nấu cơm nước, quét một vườn cây ăn quả rất rộng. Bà cụ chủ nhà chê cụ Bình không biết nấu ăn, dọn dẹp chưa gọn gàng. Cụ Bình than thở đi làm cách mạng chẳng dễ chút nào! Sau mấy tháng, cả gia đình đều thương và bà cụ cũng không còn chê nữa. Khi đọc tới đoạn này, tôi thật trân trọng quá trình hoạt động Đoàn, cũng như nhìn lại về lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng quả thực đã phát triển từ trong lòng dân, vì nhân dân mà chiến đấu, phụng sự.

Tiếp theo, quá trình hoạt động từ lúc kháng chiến chống Pháp tới trước hiệp định Giơ - ne - vơ được ký kết được kể lại chi tiết, có đôi phần dí dỏm, châm biếm.

Quote

Bót Catinat do cò Bazin chỉ huy, một tên mật thám đầu sỏ khét tiếng. Từ lâu bot này đã nổi tiếng là nơi tàn ác nhất. Bót nằm ngay ở đầu đường Catinat, con đường sang trọng nhất Sài Gòn, có nhiều cửa hàng cao cấp, những khách sạn lớn nhất. Ngay trước mặt là Nhà thờ Đức Bà, lớn và đẹp nhất của thành phố. Không hiểu thực dân Pháp, chính xác hơn là mật thám Pháp, nghĩ gì khi đặt bót Catinat ở đây? Trong đêm khuya, từ những phòng biệt giam, phòng tra tấn, sau những trận đòn dã man khủng khiếp của kẻ thù, lại nghe văng vẳng bên tai tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà, như muốn làm dịu bớt nỗi đau của chúng tôi! Thật mỉa mai thay!

Quá trình tham gia ngoại giao của cụ là đặc biệt và thường được biết hơn cả được kể chi tiết trong những phần tiếp theo. Quá trình từ lúc tham gia, tới các hoạt động vận động nhân dân và các chính phủ trên thế giới công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Cuối cùng, là quá trình đàm phán dai dẳng trước hội nghị Paris. Phần này vừa là tự truyện, vừa là những lời cảm ơn và ghi nhận tới những ủng hộ từ bạn bè năm châu trong kháng chiến chống Mỹ, ghi nhận lực lượng thứ ba do luật sư Trịnh Đình Thảo và các trí thức khác thành lập tại miền Nam. Đồng thời ghi nhận sự hy sinh lớn lao của toàn nhân dân ta. Những hy sinh âm thầm trong thời kỳ gian khổ, khốc liệt mà chúng ta chưa bù đắp, ghi nhận hết. Tới khi có khả năng thì họ cũng đã không còn, để họ mãi thiệt thòi.

Cụ Bình có thời gian 10 năm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục mà tôi thấy ít được đề cập. Thời gian này cũng là thời gian xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Cụ lại một lần nữa khẳng định Việt Nam không hề khiêu khích Trung Quốc, rằng một đất nước vừa trải qua 30 năm đấu tranh chống xâm lược không có lý do gì làm vậy, tuyên bố tính chính nghĩa và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với biển đảo quê hương. Trong hai nhiệm kỳ làm bộ trưởng, cụ đã giải quyết được nhiều phần việc quan trọng: tái thiết, thống nhất giáo dục nước nhà sau thống nhất; giải quyết vấn đề giáo viên, nhân lực trong thời kỳ mới; chính sách hỗ trợ làm kinh tế cho nhà giáo; chính sách thâm niên với nhà giáo.

Trước khi làm Phó Chủ tịch nước, cụ Bình có thời gian làm Phó ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nằm trong thời kỳ nước ta đàm phán dỡ cấm vận với Mỹ. Tuy vậy, phần này trong sách không được đề cập nhiều, chỉ vỏn vẹn chục trang. Phần cuối là 10 năm làm Phó Chủ tịch Nước, tham gia công tác Tư pháp và thực hiện quyền Đại biểu Quốc hội. Cụ kể về một số trường hợp tư pháp, những suy nghĩ của cụ trong công tác làm và thực thi luật. Cuối cùng, kể về sự dần rời đi của bạn bè, các em của cụ Bình.

Một điều tôi thấy khi đọc sách bản mới, là khâu biên tập và xuất bản sơ sài. Về mặt từ ngữ, nếu như không giữ nguyên tiếng nước ngoài như bản cũ thì nhất thiết phải dịch phiên âm tiếng Việt. Danh từ riêng, tên quốc gia trong bản mới chỗ thì để nguyên, chỗ thì lại dịch phiên âm. Có cảm giác, biên tập biết từ nào thì dịch từ đó, không biết thì không dịch. Điều này cũng xảy ra với ngày, tháng. Chỗ thì ghi số, chỗ thì ghi chữ mà không theo quy tắc nào cả. Tôi cho rằng những điều này không thể xuất hiện trong một ấn phẩm xuất bản.

Điều đáng tiếc nữa là sách bản mới không có lời bình, giới thiệu, nhận xét nào khác ngoài của Nhà Xuất bản (đoạn của Nhà Xuất bản hơi sơ sài). Đáng ra, ban biên tập phải tìm kiếm, sưu tầm một vài bài báo quốc tế nói về cụ, điều này phỏng có khó gì. Bản cũ có lời bình của nhà văn Nguyên Ngọc, bản mới cũng nên tương tự như vậy. Thậm chí, với thế và lực của Nhà xuất bản Sự thật, không khó khăn nếu đề xuất các đồng chí lãnh đạo cùng thời kỳ với cụ Bình chắp bút. Ví như cụ Trần Đức Lương khi còn sống, hoặc cụ Nông Đức Mạnh hiện tại. Thật đáng tiếc.