Trẻ và già
Một số loài thú có vú khi mà một con non được sinh ra, chúng phải đứng dậy ngay khi lọt lòng để nhận những giọt sữa đầu tiên từ con mẹ. Cũng có con ngay từ khi sinh ngay vào thời khắc mẹ nó chạy trốn khỏi kẻ đi săn. Nó phải đứng dậy, chạy thật nhanh theo mẹ nó hoặc bị bỏ lại và thành miếng mồi cho kẻ khác.
Nhưng tự nhiên hoang dã bản thân nó đã có quy luật như vậy. Và xã hội loài người chúng ta cũng có những quy luật riêng. Bởi lẽ, con người sinh ra là động vật yếu ớt, chúng ta phải nhận sự chăm bẵm của bậc sinh thành hay ít nhất là những người họ hàng thân thiết. Hoặc giả như bằng lý do khó nói nào đó, chúng ta được một vị thiền sư, một ni cô, một cô chú trong trung tâm xã hội nào đó nuôi lớn và dạy dỗ. Khoa học ngày càng tiên tiến, một số đứa bé sinh non tới vài tháng cũng sẽ khỏe mạnh với những liệu trình điều trị đặc biệt.
Sự sống của con người, tin chắc rằng đa số cũng tuân theo quy luật như vậy. Ta sinh ra và lớn lên trong những vòng tay của những đấng sinh thành, của cô dì, chú bác, ông bà nội ngoại, hay cả cố, sơ các thời kỳ. Ta lớn lên một chút, những người ngày nào còn đi thôi nôi ta thưa dần, không mừng sinh nhật ta được nữa. Tới tuổi thanh niên, ta theo bố mẹ đi mừng thọ, hỏi thăm họ hàng vào mỗi dịp tết. Ta nhanh nhẹn chúc thọ các bậc cao niên để được bao lì xì đỏ, nhưng rồi qua mỗi năm, ta thấy số lượng bao lì xì của ta ít dần, ít dần đi. Đến khi ra đời bươn chải, ta có công danh, sự nghiệp. Ta chả có mấy thời gian để săn sóc các bậc tiền nhân. Không phải chỉ ta không có thời gian, mà các vị ấy, cũng đã hết thời gian rồi nữa.
Ta ngầm định, ta chuẩn bị rằng, mọi người lớn hơn ta rồi sẽ dần dần đi về thế giới vĩnh hằng. Ta lo lắng cho họ, ta yêu thương họ thật nhiều khi còn có thể. Thậm chí, ta chuẩn bị cho những ngày đó. Ta rồi sẽ sinh con đẻ cái. Con ta, và con của anh chị em ta rồi sẽ lớn lên, con của bạn bè ta rồi cũng sẽ như vậy. Nói rộng ra, thế hệ mới rồi sẽ lớn lên và trưởng thành. Ta nuôi dạy chúng, ta cầu chúc cho chúng cả cuộc đời bình yên. Dạy cho chúng điều hay, lẽ phải, dạy cho chúng biết tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn. Dạy cho chúng hãy yêu thương gia đình chúng, bố mẹ, anh chị em chúng khi còn có thời gian. Bởi chính ta đã từng như vậy. Tại ngay giờ phút này, ta ngầm định, ta rồi sẽ đi và chúng sẽ tiếp tục cuộc đời hạnh phúc của chúng.
Nhưng có bao giờ ta nghĩ, quy luật chỉ là quy luật và nó chưa được chứng minh là đúng hay chưa? Ta có bao giờ chuẩn bị, suy nghĩ về việc sự ra đi và ở lại của ta và chúng có sự xáo trộn chưa. Nó không còn đúng theo thứ tự như nó vẫn thường xảy ra. Một biến cố, một tai nạn, một hành động của ai đó không tốt đã mang nó đi khi bản thân ta đang bước những bước vững chãi của cuộc đời. Giây trước ta còn suy nghĩ phải dạy nó thế nào để trở thành người tốt, giây sau nó đã không thể nào tiếp thu được bài học đó của ta nữa.
Bản thân ta, không hề có sự chuẩn bị nào. Ta còn chưa kịp yêu thương nó, như ta yêu thương các bậc cao niên của mình nữa. Ta nghĩ rằng, hãy còn sớm, nó chưa đủ để hiểu hết sự yêu thương vô bờ bến ta dành cho nó. Ta cứ dửng dưng, bàng quang trước những tâm sự, sở thích của nó. Ta nuôi dạy nó hết lòng, ta muốn yêu thương nó theo cách của ta. Dù nhiều như vậy, ta vẫn chưa yêu thương nó đủ, không bao giờ là đủ yêu thương với những tâm hồn bé nhỏ. Ta đau lòng, ta phủ nhận sự thật nhói tâm can rằng ta quả thực, đã không thể yêu thương nó được nữa. Ta thấy ta chưa yêu thương nó đủ như ta đã từng nhận từ đấng sinh thành, ta thấy nó chưa được trải qua mối tình tuổi học trò, thời sinh viên hay thành gia lập nghiệp như ta nữa. Ta rơi lệ, thật nhiều. Ta khó lòng chấp nhận sự thật trái với cái quy luật thường tình như vậy. Dẫu ta biết, chuyện đó vẫn xảy ra, hàng tuần, thậm chí hàng ngày. Nhưng nó thật xa và xa, không liên quan tới ta nhiều lắm, ta chỉ cảm thán mà thôi. Ta không nhờ với xác suất nhỏ như vậy, nó lại xảy ra với chính ta, với chính nó.
Nhưng rồi, ta phải chấp nhận. Ta để nó đi, đi trong tâm trí ta và cà đi trong chính cõi của nó nữa. Ta để mình lắng lại, ta cố gắng quên đi những chi tiết đã in hằn trong tâm trí về nó. Bởi ta hiểu, ta biết, chính ta cũng có khi không đúng lời hẹn. Vậy thì làm sao trách được nó, một đứa bé ngây thơ có thể giữ được lời hẹn mà chính nó khi hứa với ta cũng không hình dung được, nó sẽ thực hiện như thế nào.